Phân công lại việc quản lý an toàn thực phẩm

(Dân trí) - Để giảm tình trạng chồng chéo, gây khó khăn khi cần phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý ATTP, Bộ Y tế đề xuất sẽ giảm bớt đầu mối trong quản lý, chủ yếu tập trung vào 2 Bộ chính là Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chuyên đề "Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành về lĩnh vực an toàn thực phẩm" diễn ra ngày 22/7 tại Hà Nội.

Theo đề xuất này, Bộ Y tế sẽ quản lý về thực phẩm nhập khẩu (trừ thực phẩm tươi sống), cơ sở chế biến thực phẩm và kinh doanh thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý xuyên suốt từ khâu sản xuất đến nơi tiêu thụ (chợ) đối với thực phẩm tươi sống (rau, quả, thịt, trứng, thủy sản) sản xuất trong nước và thực phẩm tươi sống nhập khẩu, khâu sản xuất thực phẩm ban đầu và sơ chế thực phẩm đối với các thực phẩm khác.

Ngoài ra, để quản lý tốt tình hình an toàn thực phẩm, giảm tối đa các ca ngộ độc thực phẩm, Bộ công thương phối hợp với hai Bộ để tiến hành thanh tra, kiểm tra thực phẩm lưu thông trên thị trường, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Đánh giá hiệu quả của sự phân công quản lý này, ông Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra ví dụ rất cụ thể, nếu người dân trồng rau, phun hóa chất, chưa đợi hết thời gian theo quy định đã mang đi bán, dẫn tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau cao. Thực chất, kết quả kiểm tra của Bộ Nông nghiệp kiểm tra trước khi nó được đem ra thị trường không có sự khác biệt khi nó được lưu thông trên thị trường. Nhưng lúc này, mớ rau đang bán lại thuộc sự quản lý của Bộ Y tế. Với đề xuất mới này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quản lý từ khâu sản xuất đến nơi tiêu thụ (chợ).

Ông Long cho rằng, việc làm này rất có ý nghĩa trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc tiền kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đem ra lưu thông thị trường là vô cùng quan trọng. Vì nếu để khi sản phẩm ra thị trường mới lẫy mẫu kiểm tra thì khó đảm bảo kiểm soát được tất cả các mẫu lưu thông trên thị trường.

Hồng Hải