1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phân bổ hơn 2 triệu liều vắc xin Moderna cho 53 tỉnh thành

Nam Phương

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ hơn 2 triệu liều vắc xin của Moderna, trong đó TPHCM là khu vực được phân bổ nhiều nhất.

Cụ thể, số vắc xin này sẽ được phân bổ cho 53 tỉnh thành và các đơn vị khác (lực lượng công an, bộ đội, một số bệnh viện, viện).

Trong số 53 tỉnh, thành thì TPHCM là đơn vị được phân bổ nhiều nhất với hơn 235.000 liều. TP Hà Nội cũng sẽ có hơn 120.000 liều. Đồng Nai và Bình Dương, mỗi địa phương cũng được phân hơn 65.500 liều.

Trong số các bệnh viện, Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai được phân bổ nhiều nhất hơn 15.000 liều. Một số bệnh viện như Nhi Trung ương, E, Phổi Trung ương, Chợ Rẫy… đươc hơn 13.000 liều.

Phân bổ hơn 2 triệu liều vắc xin Moderna cho 53 tỉnh thành - 1

Lực lượng quân đội được phân 42.000 liều, lực lượng công an là 33.600 liều.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch để đảm bảo mỗi đối tượng tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc xin này.

Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vắc xin tới Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để phân bổ cho các đơn vị.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tiếp nhận, bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vắc xin được phân bổ.

Các đơn vị không sử dụng hết vắc xin hoặc có nhu cầu sử dụng thêm thì phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM để điều phối, tổ chức tiêm chủng, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả.

Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng tối đa 31 ngày.

Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia khẩn trương hoàn thiện tài liệu và tổ chức tập huấn sử dụng vắc xin của Moderna cho các đơn vị trước khi triển khai tiêm chủng.  

Theo báo cáo của Bộ Y tế, với kế hoạch vắc xin về trong thời gian tới (tháng 7 có thể có khoảng 8 triệu liều từ các nguồn về Việt Nam), dự kiến đến quý 3 năm nay sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, trong đó, đủ số lượng vắc xin để tiêm cho lực lượng sản xuất.

Có thể tiêm mũi một của AstraZeneca, mũi 2 của Pfizer nếu số lượng vắc xin hạn chế

GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vắc xin, Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vắc xin phòng Covid-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi một của cùng một loại vắc xin là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi một vắc xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer.

Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng Covid-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có hướng dẫn "trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý". Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm