Ngày Dân số thế giới 11/7:

Phải giảm tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên

(Dân trí) - Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay có chủ đề "Mang thai ở tuổi vị thành niên". Việt Nam cũng đang quyết tâm có những chiến lược can thiệp để giảm tỉ lệ mang thai ở lứa tuổi này, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: GĐ - XH.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: GĐ - XH.

Tại buổi họp báo Hưởng ứng ngày Dân số thế giới diễn ra sáng 10/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao những thành tích trong công tác DS-KHHGĐ, Theo đó, chất lượng dân số ngày càng nâng cao, tuổi thọ bình quân được kéo dài từ 73-75 tuổi, cơ cấu dân số ở giai đoạn cơ cấu dân số “vàng; tốc độ gia tăng dân số được khống chế, giữ ổn định.

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) đặc biệt là ở tuổi vị thành niên, thanh niên (VTN/TN). Bởi nhận thức về SKSS, SKTD ở lứa tuổi này còn nhiều hạn chế, trong khi quan niệm “yêu” ngày càng thoáng khiến tình trạng mang thai ngoài ý muốn gia tăng. Theo thống kê, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên (10-19 tuổi) chiếm khoảng 20%.

“Ở lứa tuổi vị thành niên mang thai không chỉ có nguy cơ xảy ra tai biến cao, mà những đứa trẻ sinh ra từ những bé gái chưa phát triển toàn diện về thể chất cũng sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe, chăm sóc sau này. Vì thế, cần có những chương trình hành động, mô hình truyền thông, vận động để giảm tỷ lệ mang thai ở lứa tuổi này, làm sao bảo vệ được giống nòi người Việt, tạo điều kiện phát triển cho dân tộc Việt Nam cường tráng, hùng mạnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào khu vực này nhiều và giải pháp chủ yếu là truyền thông để vị thành niên hiểu rõ: Quan hệ tình dục, mang thai ở tuổi này rất nguy hiểm, dẫn đến các hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, giáo dục vị thành niên các phương pháp tránh thai, đảm bảo quan hệ tình dục an toàn.

Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) nhận định: “Mang thai ở tuổi vị thành niên có nguyên nhân sâu xa từ nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực, kết hôn sớm, sự không công bằng về quyền lực giữa trẻ em gái và bạn trai của họ, do các em không được đi học. Vấn đề này cũng thể hiện công tác bảo vệ quyền cho trẻ em gái vị thành niên chưa được thực hiện tốt”.

Đây không chỉ là vấn đề riêng Việt Nam phải đối mặt mà là vấn đề chung trên toàn thế giới. Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 16 triệu em gái tuổi từ 15-19 sinh con. Cứ 10 em trong số này thì có 9 em đã kết hôn – đây chính là thực tế dẫn tới thực trạng sinh con trong độ tuổi vị thành niên.

Ông Arthur Erken cho rằng, Việt Nam phải đầu tư vào trẻ em gái vị thành niên vì những lợi ích tốt đẹp nhất của các em. Các em gái được học tập và có sức khỏe tốt sẽ có cơ hội phát triển hết tiềm năng và được đáp ứng nhu cầu của mình. Các em sẽ kết hôn muộn hơn, trì hoãn thời gian sinh con, sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh hơn, và có thu nhập cao hơn. Các em có thể giúp chính mình và gia đình của mình trong tương lai thoát khỏi nghèo đói. Các em sẽ là những tác nhân tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng và các thế hệ trong tương lai.

Theo TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), để từng bước khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đang chú ý tiếp cận nhiều hơn đến nhóm vị thành niên, thanh niên thông qua việc chủ trì và phối hợp tổ chức và phối hợp tổ chức triển khai các mô hình cung cấp kiến thức, kỹ năng và dịch vụ về DS- KHHGĐ/SKSS cho vị thành niên, thanh niên như Mô hình “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân”, phối hợp các bộ, ban, ngành triển khai chương trình giáo dục DS-SKSS, giới và bình đẳng giới trong nhà trường…

Chiến lược DS-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng đề cao mục đích làm sao giảm số người vị thành niên có thai ngoài ý muốn xuống 20% vào năm 2015; 50% vào năm 2020.

 Tú Anh