1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phải cử cán bộ chuyên môn khám sàng lọc trước tiêm chủng

(Dân trí) - Sau sự việc đau lòng dẫn đến 3 trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi được tiêm vắc xin viêm gan B, Bộ Y tế yêu cầu thanh tra toàn diện về công tác tiêm chủng. Các địa phương cần cử cán bộ có chuyên môn khám sàng lọc kỹ trước tiêm chủng.

Cần khám sàng lọc kỹ càng trước khi tiêm chủng cho trẻ.
Cần khám sàng lọc kỹ càng trước khi tiêm chủng cho trẻ.

Đến nay, sau 10 ngày xảy ra vụ việc 3 trẻ sơ sinh cùng tử vong sau khoảng 10 phút được tiêm vắc xin viêm gan B, nguyên nhân xảy ra sự cố này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một loạt các sai sót trong quy trình tiêm chủng tại điểm tiêm này đã được chỉ ra, đó là vắc xin viêm gan B được bảo quản lẫn với các sinh phẩm y tế khác; không tiêm cho trẻ tại phòng tiêm chủng mà tiêm ngay tại phòng bệnh… Các cá nhân liên quan đến vụ việc này cũng đã bị tạm đình chỉ công tác.

Bộ Y tế cho biết, tại một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác Tiêm chủng mở rộng trong việc quản lý vắc xin, sinh phẩm y tế và tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng. Để chấn chỉnh và tăng cường an toàn tiêm chủng, đảm bảo quyền lợi cho người dân được phòng bệnh chủ động theo quy định tại Luật Phòng,chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn bảo đảm an toàn theo đúng các quy định của Bộ Y tế về việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.

Theo đó, cán bộ y tế cần đặc biệt lưu ý tư vấn đầy đủ cho gia đình hoặc người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng.

Tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên tối đa không quá 50 trẻ/buổi tiêm chủng. Mỗi tháng có thể bố trí nhiều ngày tiêm chủng nếu lượng các cháu tiêm chủng nhiều. Đặc biệt, mỗi buổi tiêm chủng phải bố trí cán bộ y tế có trình độ chuyên môn khám sàng lộc trước khi tiêm để loại trừ những trường hợp chống chỉ định. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết  bị y tế và các phương tiện cần thiết khác để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng nếu có. Theo dõi trẻ sau tiêm, hướng dẫn người nhà của trẻ cách theo dõi tại nhà và mang trẻ đến cơ sở y tế khi có biểu hiện bất thường sau tiêm.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần tiến hành thanh tra toàn diện về công tác tiêm chủng, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị nếu có sai phạm. Trường hợp xảy ra tai biến thì khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý và tìm nguyên nhân và công bố công khai nguyên nhân tai biến. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân vi phạm, những người liên quan và xử lý nghiêm theo quy định.

Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho công tác tiêm chủng, đặc biệt là dây chuyền lạnh và các trang thiết bị cần thiết khác trong công tác tiêm chủng. Chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ tham dự tập huấn về an toàn tiêm chủng cho các bán bộ y tế trong cả ngoài tiêm chủng mở rộng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục về các lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh và những rủi ro có thể gặp phải để người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng mở rộng.

Trước đó, sau hàng loạt tai biến liên quan đến vắc xin Quinvaxem, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương cần thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác tiêm chủng. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 2 tháng xảy ra sự việc, mới có 30 địa phương gửi báo cáo về Thanh tra Bộ Y tế.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm