1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phải coi thuốc bảo vệ thực vật là hàng hóa đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ

(Dân trí) - "Chúng ta coi thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất kinh doanh, sử dụng phải được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có những loại thuốc BVTV được nằm trong danh mục thuốc BVTV Việt Nam mới được phép kinh doanh, sản xuất và sử dụng,..." - ông Nguyễn Vinh Hà - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.

Sáng nay(18/10), tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV - Định hướng và lộ trình thực hiện".

Quang cảnh cuộc Tọa đàm...
Quang cảnh cuộc Tọa đàm...

Trải qua gần 60 năm hình thành phát triển, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hệ thống ngành BVTV góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị 36,2 tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Tại cuộc tọa đàm, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Mục tiêu của chúng ta là sử dụng hay quản lý thuốc BVTV làm sao hiệu quả, với tiêu chí rõ ràng trong cả chiến lược phát triển chung cũng như đề án của Bộ NN&PTN, một là phải hướng tới nền nông nghiệp phát triển sạch và bền vững; thứ hai việc sử dụng thuốc BVTV phải làm sao bảo đảm sức khỏe của người dân và cộng đồng; thứ ba là bảo vệ môi trường sống của người dân cũng như môi trường trong sản xuất nông nghiệp; thứ tư, các sản phẩm trồng trọt có sử dụng thuốc BVTV làm ra phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Ông Trung cho biết, thời gian dài vừa qua, ngành BVTV liên tục cùng các cơ quan lập pháp, các doanh nghiệp bàn bạc để hướng tới những mục đích trên; nhưng trong quá trình thực hiện, có những thách thức:

Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, dù đã cố gắng xây dựng hành lang pháp lý trong việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV làm sao cho hiệu quả, cho đến nay, trong quá trình rà soát, áp dụng luật pháp vào thực tế có một số thách thức mà trong thời gian tới chúng ta tiếp tục phải xử lý: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phép đối tượng đăng ký thuốc BVTV vẫn trong phạm vi quá rộng.

Thứ hai, về nguyên tắc, các nước cho đăng ký thuốc BVTV và sản phẩm vào, nguyên tắc là phải có vào, có ra và có thời hạn nhất định. Những điều này đã được quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, ban hành 1/1/2015, tuy nhiên, việc gia hạn trong một số văn bản đăng ký chưa thực sự rõ ràng.

Thứ ba, chúng ta muốn hướng tới mục tiêu nền nông nghiệp sạch, đưa ra các sản phẩm an toàn thực phẩm và hướng tới xuất khẩu, thì việc có quy định, chính sách khuyến khích phát triển thuốc BVTV sinh học là điều hết sức quan trọng. Mặc dù chúng ta cũng đã có, nhưng chính sách hiện nay trong luật và các quy định chưa đủ mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Trung, một trong những vấn đề đang thiếu trong hành lang pháp lý của chúng ta là trước biến đổi khí hậu mạnh mẽ phát sinh, phát triển một số loại dịch bệnh mới trước đây và hiện nay chúng ta chưa có loại thuốc nào để phòng trừ. Nếu phải theo quy trình quản lý chặt chẽ hiện nay thì chưa có một cơ chế mang tính chất áp dụng biện pháp khẩn cấp để có thuốc phù hợp, xử lý ngay những phát sinh đó.

“Một trong những công việc chúng ta phải làm thường xuyên là thanh tra, kiểm tra, xem việc chấp pháp của doanh nghiệp, việc sử dụng thuốc BVTV, ngăn chặn vi phạm pháp luật. Hiện nay hệ thống thanh tra kèm theo cũng đang có những thay đổi lớn, dẫn tới thanh tra, kiểm tra kiểm soát được thuốc không đúng nguyên tắc đề ra, thuốc giả, kém chất lượng, thuốc nhập lậu... là một trong những thách thức. Chúng tôi đã báo cáo Bộ và các ngành liên quan cố gắng củng cố đội ngũ này để thực hiện thanh tra, kiểm tra tốt hơn trong thời gian tới, phục vụ công tác quản lý nhà nước về sử dụng thuốc BVTV thực sự hiệu quả” – ông Hoàng Trung cho biết.

Ông Nguyễn Vinh Hà - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Ông Nguyễn Vinh Hà - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Phát biểu tại cuộc tòa đàm, ông Nguyễn Vinh Hà - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, chúng ta coi thuốc BVTV là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất kinh doanh, sử dụng phải được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có những loại thuốc BVTV được nằm trong danh mục thuốc BVTV Việt Nam mới được phép kinh doanh, sản xuất và sử dụng. Vì những quy định như vậy, thời gian qua việc quản lý, sản xuất thuốc BVTV có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Căn cứ trên các đánh giá đã được nghiên cứu, những thành quả trên đã thể hiện quyết tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với công tác quản lý, sản xuất thuốc BVTV.

Theo báo cáo của Cục BVTV, với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chỉ để lại trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam những loại thuốc thực sự hiệu quả, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững, ngày 28/8 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có quyết định tiếp tục loại bỏ 4 hoạt chất (36 tên thương phẩm) ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, các hoạt chất gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide. Trước đó, năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng đã tiến hành loại bỏ 7 hoạt chất khỏi danh mục. Như vậy, sẽ có 1.060 tên thương phẩm bị loại ra khỏi danh mục.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm