Phải chấp nhận vi phạm quy định luật pháp để cứu chữa người bệnh?
(Dân trí) - Đó là quan điểm được nêu ra trong ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Giảm giờ làm, hiệu quả chăm sóc, điều trị người bệnh sẽ bị tác động?
Theo đại diện Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý, Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) thực tế vẫn còn gây tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu...
Theo ý kiến đóng góp vào dự thảo của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, thời gian làm việc bình thường của người lao động (NLĐ), dự thảo đề nghị giảm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Đây là xu hướng chung của thế giới khi kinh tế phát triển đạt đến trình độ nhất định.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, trình độ phát triển, năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với các nước trong khu vực.
Theo thống kê, trong khối ASEAN hiện có 8/10 nước bố trí làm việc 48 giờ/tuần như Việt Nam, chỉ 2 nước Singapore và Indonesia áp dụng chế độ làm việc thấp hơn.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Singapore hiện cao gấp 10 lần Việt Nam. Còn Indonesia có dân số 247 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp trên 6%... Trong khi hầu hết các nước vẫn duy trì thời gian làm việc 48 giờ/tuần.
Đối với ngành y tế tư nhân, xét về quy mô và đặc thù của lĩnh vực y tế phải trực chăm sóc, điều trị, cứu chữa người bệnh liên tục 24/7. Nếu giảm mỗi tuần 4 giờ làm việc, đồng nghĩa với việc giảm 208 giờ/người/năm thì hiệu quả chăm sóc, điều trị người bệnh sẽ bị tác động.
Bên cạnh đó, để duy trì một khối lượng công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân thường xuyên phải tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế và người lao động (NLĐ)
Nếu tiếp tục áp dụng giảm giờ làm việc thông thường sẽ gây áp lực đối với cơ sở y tế về đảm bảo nhân lực hoạt động, gây phát sinh chi phí hàng nghìn tỷ đồng.
Điều này hoàn toàn không khả thi trong điều kiện ngành y tế Việt Nam hiện đang khan hiếm nhân lực trầm trọng, sẽ dễ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế trong hoạt động tuyển dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực y tế có trình độ kỹ thuật cao.
Đề xuất không quy định khung giờ làm việc đối với lĩnh vực y tế
Về lựa chọn phương án tăng giờ làm thêm, trên cơ sở nghiên cứu 2 phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo đề xuất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam thống nhất ủng hộ phương án 2: Nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa giữa người sử dụng lao động và NLĐ từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ.
Bởi hiện nay thời gian làm thêm theo quy định hiện hành là không phù hợp với tính chất của những ngành nghề đặc thù. Cụ thể ngành y tế là ví dụ điển hình.
Do đặc thù là ngành nghề liên quan đến tính mạng, sức khoẻ nhân dân, trung bình mỗi nhân viên y tế phải thực hiện ít nhất 2 buổi trực/tuần, tương đương với 18 giờ/tuần trực.
Như vậy, mỗi nhân viên y tế sẽ mất 864 giờ trực/năm. Nếu dự thảo được thông qua với khung giờ làm thêm là 400 giờ thì tất cả các nhân viên y tế sẽ có nguy cơ vi phạm Luật lao động.
Đồng thời, tạo cơ sở cho hoạt động thanh tra, kiểm tra nhiều hơn, trái với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, các cán bộ y bác sĩ còn phải thường xuyên thực hiện xử lý khẩn cấp những sự cố yêu cầu về thời gian dài nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam lấy ví dụ: Có những ca phẫu thuật kỹ thuật cao, đòi hỏi đội ngũ y bác sỹ phải làm việc từ 10h-12h liên tục, hay những trường hợp cấp cứu trong đêm, những dịch bệnh nguy hiểm cần được kiểm soát, điều trị liên tục dài ngày.
Theo ông Đệ, những thời điểm đó, đội ngũ y bác sĩ không thể lấy lý do vì khung thời gian làm việc chỉ có 400 giờ mà từ chối cứu chữa bệnh nhân.
Do vậy, nếu quy định giờ làm thêm là 400 giờ/năm được thông qua và không có quy định đặc thù đối với lĩnh vực y tế đồng nghĩa với việc đội ngũ y, bác sĩ phải đứng trước sự lựa chọn hoặc “chấp nhận vi phạm quy định luật pháp để cứu chữa người bệnh” hoặc “buộc phải từ chối cứu chữa tính mạng người bệnh để không vi phạm quy định về giờ làm thêm".
Từ đó, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi quy định về thời giờ làm thêm tối đa trong năm theo hướng: Không quy định khung giờ làm việc đối với lĩnh vực y tế.
Nên quy định khi NLĐ làm thêm giờ vào ngày nào thì được trả lương làm thêm tính theo ngày đó. Cách tính tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ thực hiện theo các nguyên tắc bảo đảm NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính ít nhất bằng hoặc cao hơn các mức tương ứng theo quy định pháp luật hiện hành hoặc theo thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ.
Duy Tuyên