1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ở nơi bác sĩ bị bệnh nhân đánh như “cơm bữa”

(Dân trí) - Các bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên bị bệnh nhân tấn công. Nhẹ thì hư điện thoại, hư đồng hồ hoặc rách áo; còn nặng thì bị thương chảy máu… Nguy hiểm nhất là khi bệnh nhân lên cơn “ngáo đá”.

Khoa cai nghiện chất và điều trị bắt buộc (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) là nơi tập trung những bệnh nhân đặc biệt nguy hiểm. Đó là các đối tượng gây án bị tâm thần có quyết định áp dụng bắt buộc chữa bệnh, các đối tượng nghiện ma túy, nghiện rượu. Khoa được thành lập cách đây 6 năm do nhu cầu bức thiết của xã hội.

Bác sĩ Lê Văn Nguyên, trưởng Khoa cai nghiện chất và điều trị bắt buộc - cho biết, bệnh nhân ở đây phần lớn là người nghiện ma túy, thường mất khả năng về hành vi, họ có thể làm bất cứ việc gì và thường tấn công người khác.

Ở khoa cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, các bác sĩ bị bệnh nhân đánh là chuyện bình thường
Ở khoa cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, các bác sĩ bị bệnh nhân đánh là chuyện bình thường

Biểu hiện của bệnh cũng vô cùng đa dạng. Có trường hợp đập phá, có trường hợp lại lầm lì hoặc có trường hợp luôn tìm cách tự vẫn. Họ có thể lo âu, sợ hãi vô cớ. Nguy hiểm nhất là họ luôn tưởng người khác đang có âm mưu hãm hại, tấn công mình. Hành vi của họ thường rất bất ngờ, nguy hiểm.

“Các anh chị em ở đây thường xuyên bị họ tấn công. Có người bị đánh chảy máu, người bị chửi, chị em phụ nữ thì bị quấy rồi tình dục. Bản thân tôi cũng từng nhiều lần bị bệnh nhân đánh. Ở đây, việc bị đánh là chuyện bình thường”, bác sĩ Nguyên nói.
Gắn bó 30 năm trong nghề, trước đây bác sĩ Nguyên làm ở khoa Nam của bệnh viện. Sau khi bệnh viện thành lập Khoa cai nghiện chất và điều trị bắt buộc thì bác sĩ Nguyên chuyển qua đây. Theo bác sĩ Nguyên, ông về khoa này cũng như một cái “duyên” và giờ chỉ muốn mãi gắn bó với nơi này. Niềm vui của bác sĩ Nguyên là giúp bệnh nhân khỏi bệnh, trở lại về với gia đình, xã hội.

“Trong gia đình có một người nghiện thì các thành viên khác đau đớn lắm. Làm bác sĩ, giúp được họ khỏi bệnh, trở về với cuộc sống bệnh thường mình rất vui”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Điều dưỡng Thi Lý Bình – cho biết, anh làm ở đây ngay ngày đầu khoa mới thành lập. Là điều dưỡng nên anh thường tiếp xúc với bệnh nhân nhiều hơn. Vì thế mà cũng bị đánh nhiều hơn.

Bác sĩ Nguyên đang khám cho bệnh nhân
Bác sĩ Nguyên đang khám cho bệnh nhân

“Có khi mình đang đi phía trước, họ đi phía sau hoặc có khi cả hai cùng đi về phía nhau, họ tưởng mình là con vật gì hoặc tưởng mình đi đến để tấn công, vậy là họ đánh mình. Thường thì bị đánh mất cách bất ngờ. Đến khi khống chế được họ, nếu bị nhẹ thì mình bị hư điện thoại, hư đồng hồ, rách áo … còn không cũng bị thương”, điều dưỡng Bình nói.

Anh kể, có một lần, buổi tối anh đi tập thể dục, một bệnh nhân cũng đi tập thể dục. Anh và bệnh nhân gặp nhau, anh nói bệnh nhân tập vậy được rồi, về nghỉ đi. Đến khi hai người đi vòng lại lần nữa, bất ngờ bệnh nhân đó tấn công anh.

Dù thường xuyên bị đánh nhưng các bác sĩ, điều dưỡng ai cũng muốn gắn bó với nơi này.

“Khi vào đây làm việc, tiếp xúc với bệnh nhân thì mới thấy yêu công việc của mình. Bản thân tôi cũng như nhiều người có cơ hội đi nơi khác làm việc nhưng vẫn muốn ở lại”, anh Bình nói.

Theo anh Bình, đối với bệnh nhân tâm thần thì việc điều trị bằng tâm lý là rất quan trọng. Vì thế, bệnh viện chú trọng vào điều trị tâm lý cho bệnh nhân.

Niềm vui lớn nhất của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây là khi bệnh nhân khỏi bệnh và trở lại thăm họ. Đó cũng chính là động lực, tình yêu để các bác sĩ, điều dưỡng gắn bó với công việc nơi đây.

Khánh Hồng