Ô nhiễm tiếng ồn ở khoa cấp cứu sơ sinh Xanh-pôn

(Dân trí) - Tấm biển “Đi nhẹ, nói khẽ” ở hành lang khoa sơ sinh bệnh viện Xanh-pôn chỉ có ý nghĩa với người nhà bệnh nhân và khách tới thăm, chứ không phải là cảnh báo với những chiếc xe ngày ngày đi qua nó.

Rầm rập xe vào ra

 

24/24 giờ, tiếng nẹt pô, tiếng còi, mùi xăng, lượng khí thải… tỏa đều khắp hành lang, len vào từng căn phòng, hòa quện cùng “mùi bệnh viện” và tiếng khóc giật mình, bất ổn của các bé.

 

Cao điểm nhất là tầm 7h, 11h30, 16h30, khi hàng chục, hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau ra vào khiến độ “cộng hưởng” âm thanh từ còi xe, ống xả vì thế cũng được dịp tăng theo cấp số nhân. Nhiều người phải bịt mũi vì ống xả xe máy tỏa ra mùi xăng, chất thải khó chịu… Tiếng còi inh ỏi không ngừng cất lên do những người đi bộ “ngang nhiên chắn đường” của người đi xe.

 

Cảnh tượng ấy khiến nhiều người liên tưởng tới một khu gửi xe với con đường vào ra thật hẹp ở một khu cách biệt nào đó trong bệnh viện… nhưng không, con đường để vào nhà xe lại nằm ngay trong hành lang của khoa cấp cứu sơ sinh Xanh-pôn, nơi chủ yếu tiếp nhận cấp cứu trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi).

 

Tiếng khóc do bệnh tật hành hạ của các bé như xé lòng người mẹ và khách đến thăm nhưng xen lẫn những tiếng khóc do đau đớn, khó chịu đó còn là tiếng khó do giật mình, do cảm thấy sự bất ổn từ tiếng động và không khí đặc quánh trong phòng.

 

Một người nhà bệnh nhân rất bức xúc cho biết: Con cháu họ mới được 3 ngày tuổi nhưng đã phải nhập viện vì sốt cao và viêm phổi. Có những đêm, cháu bé quấy khóc, thức trắng và chỉ chợp mắt khi trời sáng. Nhưng giấc ngủ tự nhiên của các cháu cũng không ngon giấc bởi ban ngày, lượng xe ra vào ở khoa sơ sinh quá nhiều.

 

Đối diện khoa sơ sinh là khoa cấp cứu nhi, nơi chủ yếu là những ca bệnh rất nặng, tất cả trẻ đều đang ở trong tình thế hiểm nghèo nhưng ở đó vẫn len lỏi những âm thanh hỗn tạp từ những xe máy đi trong các hành lang.

 

Còn ở phòng chụp cắt lớp, nơi mỗi người bệnh chỉ “dừng chân” ít phút nhưng những tấm thân bất động trên cán chắc cũng không khỏi cảm thấy thêm khó chịu mệt mỏi khi những chiếc xe vẫn đang rồ ga lao tới.

 

Có khắc phục nhưng chỉ là…

 

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc bệnh viện Xanh Pôn, cho biết hiện xe máy chạy qua khu vực như đã nêu là có. Ngoài số phương tiện của người nhà bệnh nhân, còn lại chủ yếu là xe máy của cán bộ, công nhân viên bệnh viện.

 

Ông Sơn cũng cho rằng diện tích của bệnh viện quá bé nên phải sử dụng bãi gửi xe ở đó. “Chúng tôi đã di chuyển bớt lượng xe máy ra vỉa hè nên mới giảm tải một phần nhất định”, ông Sơn nói.

 

Ông Nguyễn Thái Sơn khẳng định, việc cho xe lưu thông qua khu vực này ít nhiều ảnh hưởng đến bệnh nhân, đáng ra những nơi như vậy phải hạn chế tiếng ồn, đảm bảo sự yên tĩnh nhưng làm thế nào thì hãy còn phải chờ... Và điều đó cũng đồng nghĩa rằng, sẽ còn biết bao đứa trẻ và gia đình của các bé phải tiếp tục vừa khoắc khoải với bệnh tật của con, vừa cố chịu đựng tiếng ồn khủng khiếp đưa tới. 

 

Thiết nghĩ, trước khi đưa ra được một giải pháp đồng bộ thì yêu cầu bắt buộc đối với các chủ phương tiện gửi xe ở bãi xe này là hãy dắt bộ trong hành lang của khoa. Nếu không tuân thủ thì có thể phải chịu một mức phạt như thế nào đó. Có lẽ điều đó sẽ giảm bớt đi phần nào những đau đớn, lo lắng mà người bệnh và gia đình người bệnh điều trị tại đây đang phải chịu đựng.

Trần Hưng