1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ô nhiễm môi trường gây những tác động khủng khiếp với sức khỏe

(Dân trí) - Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, những tác động của môi trường với sức khỏe hết sức khủng khiếp.Thời điểm này, thế giới đang có các cuộc họp lớn về tác động của môi trường với nguy cơ sức khỏe nhân loại.

Ô nhiễm khói bụi đe dọa sức khỏe người dân.
Ô nhiễm khói bụi đe dọa sức khỏe người dân.

Vì thế, thế giới cũng như Việt Nam đều đang nỗ lực để có một môi trường sống tốt cho loài người. Như tại Việt Nam, chúng ta đang thực hiện luật phòng chống tác hại thuốc lá để xây dựng môi trường không khói thuốc. Cũng như mong muốn một môi trường không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, chất độc, bụi.

“Vấn đề dư luận đang lo lắng, liệu có thủy ngân trong không khí? Chúng ta cần tìm hiểu xem nếu có thì ở khu vực nào, mức độ đến đâu để có thể có những biện pháp phòng tránh, tìm ra nguyên nhân để hạn chế nó”, PGS Khuê nói.

PGS Khuê cho biết, theo y văn, thủy ngân có nhiều tác động có hại cho sức khỏe. Viện Sức khỏe môi trường được Bộ Y tế được giao là đầu mối để tìm hiểu các bệnh nghề nghiệp liên quan đến các yếu tố này, bao gồm những người lao động trong môi trường độc hại, như người lao động ở khu vực hầm mỏ, thậm chí cả những người bán xăng... để đưa ra các biện pháp phòng, tránh, hướng dẫn các khoa khám chữa bệnh nghề nghiệp tại các bệnh viện.

Vậy thực tế, có hiện tượng thủy ngân bay lơ lửng trong không khí tại Hà Nội? Về vấn đề này, trả lời báo Dân trí, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, thông tin phát hiện có thủy ngân độc hại bay lơ lửng trong không khí Hà Nội gây nguy hại cho con người, là không đúng, gây hoang mang dư luận. Thực tế vừa qua có một điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường có thủy ngân từ mưa a-xit, đến nay mới có kết quả bước đầu tại một điểm nên vấn đề này cần nghiên cứu tiếp. Phải nghiên cứu dưới góc độ khoa học xem mức độ thế nào, rồi tìm ra nguyên nhân.

Chia sẻ về vấn đề liệu có thủy ngân bay lơ lửng trong không khí, BS Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, thủy ngân tự do là là chỉ điểm của tình trạng ô nhiễm. Có thủy ngân tự do trong không khí chứng tỏ nguồn ô nhiễm phải có nồng độ rất cao. Còn với nồng độ thấp, thủy ngân trong nước mưa có thể chưa đủ gây độc hại, chưa đủ để ảnh hưởng sức khỏe nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Còn nếu có nguồn ô nhiễm thủy ngân cao, tiếp xúc thường xuyên thì có thể bị ảnh hưởng nặng.

Vấn đề mà các bác sĩ lo ngại, đó chính là tình trạng ô nhiễm các "hạt" khói, bụi trong không khí. Theo BS Cấp, tình trạng ô nhiễm hạt bụi, khói trong không khí là nguyên nhân gây kích ứng phổi, các bệnh phổi mạn tính như Bệnh bụi phổi hoặc một số loại bụi có thể gây ung thư như Amian. Các bệnh viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm mũi dị ứng... đều có một phần căn nguyên do khói bụi, ô nhiễm môi trường gây nên.

Hay với căn bệnh hen phế quản, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai cho rằng khói bụi, ô nhiễm môi trường là một trong những nguy cơ khởi phát các cơn hen phế quản cấp tính. Nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào khi lên cơn hen. Chưa kể, nếu làm việc,sinh hoạt lâu trong môi trường khói bụi ô nhiễm, nguy cơ mắc hen phế quản cũng có thể de dọa bất cứ ai.

“Trong thực tế khám chữa bệnh, chúng tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhi hắt hơi, khó thở, hen phế quản, viêm mũi dị ứng liên quan đến yếu tố khói bụi, ô nhiễm môi trường. Có những tình huống bệnh nhân đang hoàn toàn bình thường, đi qua nơi công nhân xây dựng, bụi gạch đất là yếu tố kích thích khiến người bệnh lên cơn hen cấp. Hay mới đây, khoa Nhi tiếp nhận trường hợp cháu bé lên cơn hen do ngửi phải chất tẩy rửa. Điều này cho thấy, bệnh nhân hen phế quản rất “nhạy” với các yếu tố khói bụi, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khói bụi là căn nguyên gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ, viêm xoang, viêm mũi dị ứng...”, Ths.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.

Vì thế, để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí vì khói bụi, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi ra đường nên đeo khẩu trang. Về nhà rửa vệ sinh chân tay sạch sẽ bằng xà phòng. Đặc biệt với những người có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen phế quản, việc tránh xa bụi nhà, bụi bẩn, các loại phấn hoa, lông thú vật, vi khuẩn, vi rút thực phẩm, nấm mốc, côn trùng; khói xe, khói thuốc lá, mùi than tổ ong, mùi vị thức ăn đặc biệt; thực phẩm lạ… là vô cùng quan trọng để tránh nguy cơ khởi phát cơn hen cấp tính có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Theo BS cấp, tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ có khói bụi mà còn có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng. Ô nhiễm kim loại nặng xảy ra khi diễn ra tình trạng bay hơi từ nguồn ô nhiễm (nước thải công nghiệp) hoặc do đốt nhiên liệu (dầu, xăng pha chì). Thường gặp nhất là ô nhiễm thủy ngân và ô nhiễm chì. ở người tiếp xúc gần với nồng độ cao (công nhân xử lý chất thải công nghiệp, công nhân ngành xăng dầu) có thể dẫn đến ngộ độc kim loại nặng mạn tính, còn với môi trường, những kim loại nặng này tích lũy trong động thực vật thủy sinh và có thể tích lũy gây ngộ độc nếu ăn phải những thức ăn này trong thời gian dài.

Thủy ngân kim loại không gây độc khi tiếp xúc. Hơi thủy ngân kim loại có thể gây ngộ độc nếu hít phải với nồng độ cao (hiếm gặp trong thực tế). Còn hợp chất thủy ngân phát tán ra môi trường thì chúng tích lũy ở động thực vật thủy sinh chứ ít khi có thể tập trung với nồng độ cao đủ để tiếp xúc và hít phải gây ngộ độc (Trừ trường hợp những người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất).

Hồng Hải