Ô nhiễm không khí - Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa lên tiếng cảnh báo rằng không khí chúng ta hít thở hằng ngày đang chứa đầy những chất gây ung thư và cần được coi là tác nhân gây ung thư ở người.

Ô nhiễm không khí - Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư


 
Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) đã trích dẫn số liệu cho thấy trong năm 2010, có 223.000 người bị chết do ung thư phổi là hậu quả của ô nhiễm không khí và cũng có bằng chứng thuyết phục là ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

 

Ô nhiễm không khí ngoài trời, chủ yếu gồm khí thải giao thông, phát điện, khí thải công nghiệp và nông nghiệp, sưởi ấm và đun nấu trong sinh hoạt, đã được biết là làm tăng nguy cơ nhiều bệnh, bao gồm bệnh hô hấp và tim mạch. Nghiên cứu đã cho thấy trong những năm gần đây, mức độ phơi nhiễm đã tăng đáng kể ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nước đông dân có tốc độ công nghiệp hóa nhanh như Trung Quốc.

 

“Chúng tôi biết rằng ô nhiễm không khí ngoài trời không chỉ gây nguy cơ nghiêm trọng đố với sức khỏe nói chung mà còn là nguyên nhân môi trường hàng đầu dẫn đến tử vong do ung thư”, Kurt Straif, trưởng bộ phận chuyên khảo của IARC, có nhiệm vụ phân loại các tác nhân gây ung thư, nói. “Không khí mà chúng ta hít thở đang bị ô nhiễm bởi hỗn hợp nhiều chất gây ung thư”.

 

Trong một thông cáo được đưa ra sau hội thảo kéo dài một tuần của các chuyên gia nhằm đánh giá những bằng chứng khoa học mới nhất, IARC cho biết cả ô nhiễm không khí ngoài trời và “vật chất dạng tiểu phân”, một thành phần chính trong không khí ô nhiễm - sẽ được phân vào Nhóm 1 tác nhân gây ung thư ở người. Như vậy không khí ô nhiễm sẽ được xếp cùng với hơn 100 chất gây ung thư khác thuộc nhóm 1, bao gồm amiăng, plutoni, bụi silic, tia cực tím và khói thuốc lá.

 

Chương trình chuyên khảo của IARC, còn được gọi là “bách khoa toàn thư về các tác nhân ung thư”, hướng tới một nguồn bằng chứng khoa học chính thức về các chất gây ung thư. Chương trình đã phân loại nhiều hóa chất và hỗn hợp có thể là thành phần của ô nhiễm không khí, bao gồm khí thải động cơ diesel, dung môi, kim loại và bụi. Nhưng đây là lần đầu tiên các chuyên gia phân loại ô nhiễm không khí là một nguyên nhân gây ung thư.

 

Dana Loomis, phó trưởng bộ phận nói: “Kết quả từ nhiều nghiên cứu được tổng kết đều chỉ ra một hướng chung: nguy cơ bị ung thư phổi tăng đáng kể ở những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí”.

 

Mặc dù cả thành phần và mức độ ô nhiễm có thể khác nhau rõ rệt giữa các địa phương, song IARC cho biết kết luận của họ được áp dụng cho tất cả các vùng trên toàn thế giới.

 

Giám đốc IARC, Christopher Wild, cho rằng quyết định của cơ quan này phân loại ô nhiễm không khí ngoài trời như một tác nhân gây ung thư ở người là bước tiến quan trọng để báo động cho các chính phủ về nguy cơ và chi phí tiềm ẩn của vấn đề này.

 

Có nhiều cách rất hiệu quả để giảm ô nhiễm không khí, và căn cứ vào mức độ phơi nhiễm của người dân trên toàn thế giới thì báo cáo này sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải bắt tay vào hành động.

 

Cẩm Tú

Theo asiaone