Ợ chua, đầy hơi không chỉ là dấu hiệu của viêm dạ dày
(Dân trí) - Các chuyên gia khuyến cáo, nhiều trường hợp đã bỏ qua dấu hiệu của ung thư dạ dày vì nhầm lẫn với triệu chứng viêm dạ dày thông thường.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nhiều bệnh nhân khi đến viện khám vì nghĩ đau dạ dày thông thường, khi bác sĩ chẩn đoán ung thư sốc, choáng váng, vì họ không có các triệu chứng rõ ràng.
Theo đó, khi xuất hiện tình trạng đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám. Hoặc giả đi khám nhưng lại ngại nội soi dạ dày. Đến khi tình trạng ngày càng trầm trọng hơn, đi khám phát hiện ung thư dạ dày.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của ung thư dạ dày không điển hình, rất dễ lầm tưởng là tình trạng viêm đau dạ dày thông thường.
Dưới đây là các dấu hiệu có thể cảnh báo tình trạng ung thư, nhưng cũng có thể là viêm dạ dày thông thường:
- Chướng bụng, đầy hơi: Triệu chứng này xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày và tồn tại trong suốt quá trình mắc bệnh. Trên 70% người bệnh có biểu hiện này ngay từ đầu.
- Ợ chua, nóng ruột (nóng dạ dày): Đây là triệu chứng dễ lầm tưởng với căn bệnh đau dạ dày, viêm dạ dày nhưng bạn cũng không nên chủ quan với nó. Cảm giác khó chịu, nhâm nhẩm đau ở dạ dày, uống thuốc thấy giảm là đặc điểm của triệu chứng này.
Khi xuất hiện thêm các dấu hiệu dưới đây, cảnh báo nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn:
- Sụt cân, mệt mỏi, thiếu máu: Nhiều bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn gì. Tình trạng này kéo dài khiến họ bị sút cân nghiêm trọng.
- Những bệnh nhân mắc bệnh thời gian dài, có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa, biểu hiện như nôn ra máu, đại tiện phân đen, hoặc xét nghiệm tìm thấy hồng cầu trong máu.
Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối còn có biểu hiện đau thượng vị, chán ăn, sút cân, mệt mỏi, nôn ói, đại tiện ra máu hoặc phân đen… khiến người bệnh mất nhiều máu gây thiếu máu.
- Triệu chứng khác: Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày vùng hang vị có thể thấy hiện tượng hay bị nôn ói và mắc nghẹn. Ung thư dạ dày có thể dẫn tới thủng dạ dày cấp, đau bụng, viêm phúc mạc. Một số trường hợp lại có biểu hiện tiêu chảy, táo bón, đau bụng dưới, sốt…
Những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường rất rõ ràng nên người bệnh rất dễ nhận biết. Nhưng lúc này thì dường như đã quá muộn bởi khối u đã di căn khó có thể cứu chữa. Còn các triệu chứng ở giai đoạn đầu lại dễ bị bỏ qua.
Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua... bệnh nhân nên đến bệnh viện khám để xác định nguyên nhân. Trong trường hợp đau dạ dày thông thường, bệnh nhân được điều trị ổn định, không gây ảnh hưởng sức khỏe.
Còn trong trường hợp là dấu hiệu cảnh báo ung thư, việc phát hiện ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị tốt cho người bệnh. Thậm chí, ở giai đoạn chưa xâm lấn, bệnh nhân chỉ cần thực hiện nội soi hớt lớp niêm mạc tổn thương.
GS Giang nhấn mạnh, mỗi người nên khám đầy đủ sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh lý và được điều trị. Đặc biệt với ung thư dạ dày, để phát hiện không chỉ đơn giản khám sức khỏe thông thường, mà buộc phải tiến hành nội soi dạ dày để có thể phát hiện sớm ung thư.
"Để chẩn đoán ung thư dạ dày là phải làm nội soi để có thể nhìn thấy tổn thương và lấy mẫu tế bào để sinh thiết, làm các xét nghiệm khác. Phương pháp nội soi không chỉ phát hiện mà còn là phương pháp điều trị. Như với người mắc bệnh ở giai đoạn sớm, người ta có thể qua nội soi hớt phần niêm mạc bị ung thư và giữ nguyên dạ dày, bệnh nhân sống thêm vài năm. Trong khi đó, ở giai đoạn muộn bệnh nhân vừa phải phẫu thuật, xạ trị mà cơ hội sống vẫn rất khó khăn. Vì thế, việc nội soi định kỳ ở người có tiền sử đau dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng", GS Giang nói.
Trên thế giới nhiều nước thực hiện chương trình tầm soát toàn quốc gia, áp dụng cho những người từ 40 tuổi trở lên thực hiện soi dạ dày 2 năm một lần. Tại Việt Nam, GS Giang khuyến cáo với những người có bệnh lý đường tiêu hóa cần chủ động đi khám, nội soi dạ dày ngay khi có dấu hiệu đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, nôn, buồn nôn… Những người từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ cũng cần đi nội soi lại để kịp thời phát hiện bệnh.