1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nuốt phải thuỷ ngân trong nhiệt kế có nhiễm độc?

(Dân trí) - Nhiệt kế thuỷ ngân rất phổ biến trong kẹp nhiệt độ khi bị sốt. Trong thực tế, nhiều trường hợp vỡ nhiệt kế, thuỷ ngân trôi ra ngoài vậy phải xử lý như thế nào cho an toàn? Trẻ nuốt phải thủy ngân trong nhiệt kế có nhiễm độc?

BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiệt kế thủy ngân là công cụ dùng rất phổ biến trong y tế, tại các gia đình vì cho phép đo chính xác nhất nhiệt độ cơ thể so với các nhiệt kế khác.

Tuy nhiên, do đặc thù làm bằng thủy tinh nên nhiệt kế thủy ngân có nguy cơ vỡ. "Nếu biết cách xử lý đúng thủy ngân khi bị trôi ra khỏi nhiệt kế vỡ sẽ không mấy nguy hiểm. Thậm chí trong trường hợp tai nạn, trẻ nuốt phải thủy ngân trong nhiệt kế cha mẹ cũng không cần quá lo lắng vì lượng nhỏ thủy ngân không gây hại cho sức khỏe trẻ". BS Nguyên nói.

Trên mạng xã hội, có một số trang thông tin y tế chưa kiểm chứng đưa ra thông tin cảnh báo cực độc, cực nguy hiểm khi trẻ em chẳng may cắn phải nhiệt kế thủy ngân và nuốt vào bụng khiến nhiều người hoang mang.

BS Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thủy ngân nguyên tố khi nuốt vào bụng, chỉ hấp thu 0.01% qua ruột khoẻ mạnh. Sự hấp thụ thủy ngân kim loại qua đường tiêu hoá được cho là không quan trọng về mặt lâm sàng. Vài ngày sau thủy ngân theo con đường tự nhiên ra ngoài mà không gây triệu chứng ngộ độc nào. Nó chỉ nguy hiểm, gây ngộ độc cấp tính khi đường ruột bị...thủng và phúc mạc hấp thu chúng.

Việc uống 1 lượng thủy ngân 0,1ml tương đương khoảng 1g trong nhiệt kế đã được báo cáo là không gây độc.

Nuốt phải thuỷ ngân trong nhiệt kế có nhiễm độc? - 1

Hình ảnh X-quang bụng cháu bé ngày đầu tiên khi uống nhầm thủy ngâ.

Trên thế giới, đã có báo cáo về ca bệnh cậu bé người Libya 3 tuổi, vào nhà ông chú làm nghề bạc chơi, uống 55cc thủy ngân (750g). Sau 1 tuần theo dõi, cậu bé không có triệu chứng, biểu hiện đặc biệt, hình ảnh chụp X-quang sau một tuần cho thấy thủy ngân tự đào thải hết ra ngoài.

Nuốt phải thuỷ ngân trong nhiệt kế có nhiễm độc? - 2

Và sau 7 ngày cho thấy lượng thủy ngân đã được đào thải hết ra ngoài.

Tuyệt đối không dùng máy hút thủy ngân

BS Nguyên cho biết, thủy ngân kim loại sẽ độc khi nó bốc hơi và hít phải nó.

"Vì thế, khi xảy ra tình huống vỡ nhiệt kế thủy ngân, một lượng nhỏ thủy ngân dạng lỏng có thể tràn ra ngoài. Lúc này, tuyệt  đối không dùng máy hút để hút lượng thủy ngân này. Vì khi hút sẽ tạo nhiệt, thủy ngân bốc hơi, phát tán nhanh trong môi trường phòng kín tại gia đình có thể gây nhiễm độc cho bản thân", BS Nguyên cảnh báo.

Lúc này nên cho trẻ ra khỏi phòng, mở cửa sổ thông gió, đi găng tay cao su hoặc găng tay ni lông và thay quần áo cũ trước khi dọn các hạt thủy ngân và kính vỡ.

Thu gom các hạt thủy ngân đổ ra bằng một chiếc thẻ mỏng hoặc bằng một dải băng keo, tờ giấy mỏng. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng chai nhựa rỗng để hút chúng lên. Sau đó, tiếp tục dùng giẻ ẩm lau sạch sàn rồi cho riêng thủy ngân, giẻ ẩm vào túi và dán kín..

Khi nào cần đi khám?

Khi nhiễm độc thuỷ ngân sẽ gây tổn thương hô hấp, tiêu hoá, thận, thần kinh, máu, da.

Nhất là nhiễm độc thuỷ ngân cấp qua đường hô hấp thường gây các triệu chứng viêm phổi, nhưng bệnh nhân sẽ có biểu hiện rất sớm, rõ ràng ngay từ đầu (ho, khó thở).

"Trong đám cháy tại nhà máy Rạng Đông, nguy cơ nhiễm độc cao nhất, rõ nhất chính là lúc đang cháy, vì thuỷ ngân là kim loại bốc hơi. Còn khi hết cháy, cần đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường để cảnh báo nguy cơ", BS Nguyên cho biết.

Hồng Hải