Nướng mực, nữ sinh bị bỏng cồn nặng

(Dân trí) - Khi nướng mực để liên hoan, nghĩ là cồn trên đĩa đã hết bởi không còn nhìn thấy lửa, B.T.H.N (sinh viên năm thứ 3, Đại học Bách Khoa Hà Nội) liền cầm chai cồn rót thẳng vào. Một tiếng nổ vang lên, N bất tỉnh và được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Sự việc đã xảy ra được 1 tháng, nhưng hiện tại, N vẫn đang tiếp tục phải điều trị tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh- Pôn.

BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanh - Pôn cho biết, bệnh nhân N nhập viện hôm 4/5 trong tình trạng bị bỏng nặng, mức độ thương tổn thương bỏng khoảng 20% diện tích cơ thể. Sau giai đoạn điều trị ổn định, bệnh nhân đã được mổ ghép da, nhưng sẽ còn phải tiếp tục điều trị.

N kể lại, hôm đó là ngày các bạn cùng phòng trở lại học sau kỳ nghỉ lễ dài  30/4 và mùng 1/5 nên cả phòng đã quyết định tổ chức liên hoan, nướng mực. Đang nướng, mực thì lửa tắt, nghĩ hết cồn, N liền cầm chai cồn đổ vào. Vừa đổ thì chai cồn phát nổ ngay trên tay N và bùng cháy khiến N bị thương và bỏng rất nặng. N nhập viện trong tình trạng bỏng rộng vùng tay, bụng, chân.

BS Thống cho biết, cứ đến dịp hè là khoa lại tiếp nhận các ca bỏng cồn do nướng mực. Nguyên nhân bởi lửa cồn màu trắng nên dễ nhìn nhầm tưởng lửa đã tắt, trong khi thực tế vẫn còn cháy. Cứ thế, mọi người cầm cả chai cồn đổ vào, lửa nhanh chóng bén lên, cháy chùm cả chai cồn và theo phản xạ, mọi người sẽ hất ra khiến cồn đổ tung tóe, gây bỏng diện rộng.

Vì thế, khi nướng mực bằng cồn phải đặc biệt chú ý, để xa chai cồn khỏi nơi có lửa. Khi lửa tắt, kiểm tra thật kỷ, lửa đã cháy hết mới đổ cồn tiếp. Không nên dùng những chai cồn to để đổ trực tiếp vào mực mà nên chia nhỏ lượng cồn để giảm nguy hiểm.

Còn khi bị bỏng, cần nhanh chóng dập lửa, sơ cứu bằng cách ngâm ngay phần cơ thể bé bị bỏng vào nước lạnh sạch, trong thời gian từ 15 - 20 phút, sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc đã vô trùng và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó cần phòng sốc cho bệnh nhân sốc bỏng bằng cách cho uống thêm nước, đặc biệt những nước có khoáng, có muối oresol. Ttuyệt đối không được theo những cách của dân gian như bôi mắm, rắc vôi bột, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng…. sẽ gây tác dụng ngược, làm vết bỏng càng nặng hơn, thậm chí khiến bệnh nhân bị sốc dẫn đến tử vong.

 Tú Anh