Nuôi thú cưng: Đôi điều lưu ý
Dị ứng, nhiễm ký sinh trùng, bị cào cắn... là những mối nguy mà động vật nuôi trong nhà có thể gây ra cho trẻ nhỏ nếu người lớn không biết cách kiểm soát
Cậu con trai 7 tuổi vừa mới khỏe được vài ngày sau đợt bệnh tay chân miệng, chị N.H.T (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) lại phải ôm con đến Viện Pasteur TP HCM chích ngừa sau khi bé bị chính con mèo nuôi trong nhà cào một vết lớn lên má. “Tôi thấy con còn mệt vì mới bệnh dậy nên định theo dõi con mèo, không chích nhưng nghe chị bạn làm điều dưỡng nói mèo cào có nguy cơ dại còn cao hơn chó nên đành ôm con đi” - chị than thở.
Khi chó, mèo nhà “nổi điên”
BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, cho biết ông đã từng gặp mấy chục ca trẻ con bị chó cắn gây thương tích nặng phải nhập viện, trong đó hầu hết là chó nhà nuôi. Ca mới nhất mà Khoa Răng Hàm Mặt tiếp nhận là bé trai 3 tuổi tên T.T.T ở Củ Chi, bị chó cắn với hàng loạt vết thương ở má và môi khiến các bác sĩ phải khâu thẩm mỹ tới vài trăm mũi.
Tuy nhiên, đó cũng không phải là tình huống nghiêm trọng nhất mà các bác sĩ từng gặp. Theo BS Đẩu, khi bị chó tấn công, ngoài 2 mối nguy tức thời là lây nhiễm dại và phong đòn gánh (cần tiêm ngừa ngay) thì vết thương do chó cắn, đặc biệt là những con chó lớn, có thể để lại di chứng nguy hiểm cho cơ thể non nớt của đứa trẻ. “Nếu không may vết cắn làm tổn thương đến các dây thần kinh vùng mặt thì hậu quả rất lớn. Ví dụ, nếu trúng vào thần kinh điều khiển mí mắt thì khi ngủ, trẻ không thể nhắm mắt hoàn toàn được; nếu trúng vào vùng cơ, thần kinh điều khiển miệng thì có thể làm chúng yếu liệt, khi cười mặt bị xệ một bên hệt như người sau tai biến... Nếu vết thương lớn, sâu thì còn có nguy cơ gây sẹo co kéo, làm biến dạng khuôn mặt. Xử lý những vết thương vùng mặt do bị chó tấn công đôi khi cũng là một thử thách đối với bác sĩ không chỉ vì hệ thống thần kinh, cơ… phức tạp mà còn đòi hỏi yếu tố thẩm mỹ với những mũi khâu phải thật chi li” - BS Đẩu giải thích.
Dị ứng: Chuyện không nhỏ
Theo BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, những thú cưng có lông như chó, mèo, chim, chuột cảnh... là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng và hen suyễn ở trẻ nhỏ. “Theo nghiên cứu của nhiều đồng nghiệp trong cả nước mà tôi ghi nhận được, lông vật nuôi chiếm đến 10% nguyên nhân gây dị ứng. Cá biệt, có một nghiên cứu ở BV Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy tới 25% các ca bệnh dị ứng đến khám liên quan đến chó, mèo” - BS Tuấn cho biết.
Đáng ngại nhất là trường hợp trẻ bị hen suyễn vì khi tiếp xúc với tác nhân này, cơn hen có thể dữ dội hơn. Ngoài ra, có những trường hợp bệnh nhân điều trị thường xuyên mà không hết dị ứng bởi dù có dùng thuốc tốt cách mấy mà không tránh được tác nhân gây dị ứng thì cũng khó có tác dụng. Để biết nguyên nhân gây dị ứng có phải từ lông thú cưng không, phụ huynh nên đưa trẻ đến các phòng khám dị ứng.
Mối nguy từ ký sinh trùng
Nuôi chó, mèo, chim... làm thú cưng, nhiều người quên mất mình đang “nuôi” cả một số vật ký sinh trên các con vật này và chúng cũng có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh. “Có người bị viêm phổi điều trị hoài không hết, khi đi khám, làm xét nghiệm mới tìm ra nguyên nhân là do ký sinh trùng chó, mèo. Chúng rất độc hại, có thể xuyên qua da đi vào cơ thể và tấn công các nội tạng” - BS Tuấn nói. Một số chuyên gia khác cảnh báo việc sán chó, giun chó cũng có thể gây bệnh cho người nên nếu nuôi thú cưng thì phải vệ sinh sạch sẽ cho chúng cũng như nhà cửa; tốt nhất nên nuôi ngoài sân, không nuôi chung trong nhà.
Ngoài ra, việc bị thú cưng cào, cắn... cũng là mối lo lớn. Theo BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, nếu bị động vật cắn, cho dù là chó, mèo hay các vật “lạ” như loại bò sát nuôi làm cảnh, đầu tiên phải sát trùng vết thương bằng nước xà phòng hoặc nước muối sinh lý, nếu không có thì dùng nước đun sôi để nguội. “Nếu con vật có mang bệnh dại thì trên nguyên tắc, việc rửa xà phòng cũng giúp loại bỏ bớt các bào tử dại ra khỏi vết thương. Tuy nhiên, ngay sau đó phải đến BV, đừng chủ quan cho dù là chó, mèo nuôi trong nhà”.
Cần hiểu tập tính của vật nuôi
Theo BS Nguyễn Văn Đẩu, nếu nhà có trẻ nhỏ thì không nên nuôi những động vật có khả năng gây thương tích cho trẻ. Trong trường hợp nhất thiết phải nuôi thì nên giám sát chúng, có biện pháp nhốt khi ở trong nhà, đeo rọ mõm khi đưa ra đường để bảo vệ con mình và cả những người khác. Đã có không ít trường hợp khi trẻ thấy chó nhà hàng xóm được thả ra đi dạo thì mon men lại chơi nên có thể gặp nguy hiểm. Cũng nên lưu ý tập tính của động vật, ví dụ chó rất dễ “nổi cáu” nếu bị đánh thức khi đang ngủ hay khi chúng đang ăn lại có đứa trẻ tiến lại gần. Chó cái đang thời kỳ nuôi con nhỏ cũng rất hung dữ và cần để phòng...
Theo Anh Thư
Người lao động