Nghệ An:
Nước máy vẩn đục, bốc mùi do ô nhiễm nguồn nước
(Dân trí) - Mặc dù dúng nước máy nhưng cứ mỗi 1-2 tháng, gia đình chị Phan Thị Phương (TP Vinh) lại phải thay ống lọc vì nước quá bẩn. Phía Sở Nghệ An cho rằng 1 trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là nguồn nước bị ô nhiễm.
Nhiều mẫu nước không đạt chuẩn
Trong thời gian qua, người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều băn khoăn, lo lắng về các vấn đề như việc cấp nước chậm, yếu, không đảm bảo. Nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm. Một số chỉ tiêu chất lượng nước thô, nước sau xử lý vẫn chưa đạt chuẩn theo quy định…
Thực tế, qua kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An với các nhà máy nước thuộc Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An cho thấy, hầu hết các mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ y tế quy định, chủ yếu liên quan đến ô nhiễm nước do chất thải hữu cơ, vi sinh vật gây ra, quy trình xử lý nước không đủ chất khử khuẩn hoặc đường ống bẩn.
Trong số 10 nhà máy nước ở 10 huyện, kết quả kiểm tra cho thấy có bốn nhà máy có mẫu nước máy lấy tại nhà dân không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế do nhiễm vi khuẩn coliforms.
Tại nhà máy nước Hưng Vĩnh (công suất 60.00m3/ngày, cung cấp nước sạch cho gần 62.000 hộ dân ở thành phố Vinh), trong 9 lần kiểm tra mẫu nước máy tại nhà dân gần đây nhất (mỗi tháng một lần), có 4 lần có mẫu nước không đạt tiêu chuẩn do nhiễm vi khuẩn coliforms, đặc biệt một mẫu vừa nhiễm vi khuẩn coliforms lẫn E.coli (vi khuẩn có trong phân người và động vật). Kết quả kiểm tra mẫu nước năm 2012 tại nhà dân của nhà máy nước này cũng cho thấy, có 5/12 mẫu nước không đạt tiêu chuẩn.
Gia đình chị Phan Thị Phương, khối Tân Thành, phường Lê Mao (TP Vinh) đã sử dụng thiết bị lọc nước 4 năm nay. Mặc dù nhà chị có bể ngầm để chứa nước, bể trên tầng 3 để bơm xuống, song mỗi lần kiểm tra, dọn vệ sinh thấy bể chứa nước bẩn rất nhanh, nhất là cặn, nước vàng úa. Một hai tháng, nhà chị lại phải thay ống lọc nước vì bẩn.
“Từ lâu nay đã có hiện tượng nước máy có hôm bị bị vẩn đục, có hôm lại bốc mùi hôi hóa chất. Nhiều người dân trong xóm đã phải mua thêm bình lọc với giá từ 3-5 triệu đồng về lọc nước máy cho an tâm. Chúng tôi luôn mong muốn các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng này, nâng cao chất lượng nước sạch vì đây là thứ thiết yếu nhất của cuộc sống”, chị Phương lo lắng.
Trách nhiệm…không của riêng ai
Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10, HĐND Nghệ An khóa XVI chiều 12/12, các đại biểu chất vấn “nóng” Giám đốc Sở xây dựng Nghệ An ông Hoàng Trọng Kim liên quan đến chất lượng nguồn nước, quy trình vận hành, trách nhiệm quản lý và biện pháp để khắc phục tình trạng nguồn nước ô nhiễm.
Ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 17 nhà máy nước, trạm cấp nước sạch hoạt cung cấp 8,8 vạn m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho 21 huyện, thành thị trên địa bàn. Việc vận hành các nhà máy nước từ việc lấy nguồn nước đầu nguồn, xử lý nước, cung cấp cho người dân theo một quy trình khép kín. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh sẽ kiểm tra chất lượng nước theo định kỳ 1 tháng, 6 tháng/1 lần.
Lý giải về nguyên nhân chất lượng nước chưa đảm bảo, ông Kim cho rằng, do các cơ quan chức năng chưa làm tốt việc kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải xuống dòng sông; các đơn vị cấp nước chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Người dân sống hai bên sông còn có thói quen xả rác xuống sông, nước từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hóa chất từ các cánh đồng lúa chảy vào…là những nguyên nhân khiến nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, đường ống cấp nước đã cũ kỹ, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, thay thế, một số tuyến đường ống nằm chung trong mương nước thải, một số bị vỡ chưa được thay thế dẫn đến tình trạng nguồn nước trong các đường ống bị nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của dân.
“Vấn đề trách nhiệm nước sạch liên quan đến nhiều ngành khác nhau: Ngành xây dựng có nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng mạng lưới nhà máy và đường ống nước, ngành y tế chịu trách nhiệm kiểm định về chất lượng nguồn nước, nguồn cung cấp nước đầu vào lại thuộc trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường. Chính vì vậy, các ngành phải có sự phối hợp với nhau một cách chặt chẽ”, ông Kim phân trần.
Một số vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm như tồn dư của thuốc trừ sâu BVTV chảy xuống nguồn nước thô, trong khi việc xử lý hàm lượng độc hại này chưa được thực hiện triệt để; kinh phí cấp cho hoạt động giám sát để kiểm định nguồn nước thô chỉ đảm bảo 10% nhiệm vụ; hiện nay Nghệ An chưa thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn theo Thông tư 08, Bộ Xây dựng ngày 21/11/2012.
Phát biểu kết luận, ông Trần Hồng Châu - phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, nước sạch là loại mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhân dân. Quá trình chất vấn đã phát hiện ra những lỗ hổng trong quản lý nhà nước.
Ông Châu cũng đề nghị, trong thời gian tới, UBND tỉnh là đơn vị chủ quản tiếp tục quản lý và giám sát các nhà máy nước; chú trọng việc kiểm tra, giám sát đối với các công ty sản xuất nước, với nguồn nước đầu vào. Đồng thời nâng cao trang thiết bị hiện đại để xử lý nguồn nước.
“Người dân là khách hàng sử dụng nước, phải được được cung ứng nước sạch đến tận từng hộ dân. Các lý do như đường ống cũ, hư hỏng dẫn đến nguồn nước yếu, chất lượng kém thì phải do cơ quan cung cấp nước chịu trách nhiệm…”, ông Châu khẳng định.
Doãn Hòa - Nguyễn Duy