DMagazine

"Nữ tướng" thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM

(Dân trí) - "Nhiều khi mọi người chỉ im lặng nhìn nhau, lên xe ôtô không ai nói câu nào. Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến nhiều mất mát như thế", TS.BS Trương Anh Thư nói về quãng thời gian chống dịch tại TPHCM.

TS.BS Trương Anh Thư hiện là Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chị là người đã có mặt ở hầu hết các điểm nóng của dịch Covid-19: Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM…

Chị vẫn nhớ những ngày tháng chống dịch tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020, thời điểm này cao điểm hơn 40 trường hợp cách ly mỗi ngày. Cho tới những làn sóng dịch tiếp theo ập tới với Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, con số đó lớn lên mỗi ngày. Và khi đặt chân đến TPHCM vào những ngày cuối tháng 7/2021, bác sĩ Thư mới biết đây là trận chiến khắc nghiệt nhất. 

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 1

Đã xác định từ trước là rất khó khăn song thực tế những khó khăn, áp lực đặt ra còn lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng của chị. 

Nhắc lại những ngày đầu khi cả đoàn của Bệnh viện Bạch Mai vào để thiết lập bệnh viện dã chiến, chị vẫn không khỏi nghẹn ngào. Bản thân chị và nhiều đồng nghiệp khác chưa bao giờ chứng kiến cảnh bệnh nhân tử vong nhiều và nhanh như thế. Một bệnh viện dã chiến sau này được gọi là Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 được thiết lập vội vàng và cái gì cũng… không có. Mọi công việc phải thiết lập từ đầu, đều phải làm từ A đến Z. 

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 3

Bệnh viện Bạch Mai được bàn giao xây dựng một bệnh viện dã chiến trên nền nhà kho và TP hỗ trợ duy nhất hệ thống oxy trung tâm. Đây là nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng nhất, song điều kiện cơ sở vật chất để điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn vô cùng hạn chế. Chị cũng không nhớ có biết bao nhiêu chuyến hàng vận chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào TPHCM, nhưng không phải cái gì Bệnh viện cũng sẵn có. 

Công việc đầu tiên khi đặt chân tới TPHCM của chị là những việc rất nhỏ, lo từ băng dính, túi ni lông, khăn lau, giẻ lau tới phương tiện lớn hơn như thiết bị xử lý dụng cụ, đồ vải y tế, trang thiết bị phòng hộ. Danh mục hàng hóa hơn 100 mặt hàng cần thiết để chống nhiễm khuẩn trong đại dịch mà trong 2-3 tuần đầu gần như có rất nhỏ giọt. Khi đó, ngay cả khẩu trang N95 cũng phải tính từng ngày dùng hết bao nhiêu chiếc, ngày mai lấy khẩu trang ở đâu. Điều khiến chị sợ nhất là lực lượng không được bảo tồn, vỡ trận ngay từ đầu.

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 5

Mỗi ngày, chị và đồng đội cùng huy động tình nguyện viên góp nhặt từng phương tiện một để làm dày lên danh mục. Đồng thời, đào tạo tập huấn theo hình thức cầm tay chỉ việc để nhân lực mới, chưa nhiều kinh nghiệm cũng có thể "vào việc" ngay. 

Thời điểm đó, các nhà tài trợ cả trong Nam và ngoài Bắc đều hỗ trợ rất nhiều. Xin được rồi thì đến công đoạn nhận hàng, hết chuyến này đến chuyến khác, chị và mọi người phải trực đêm, trực sáng để ra lấy hàng về. Cả bệnh viện đều vào cuộc, trong 2 tuần đầu ai cũng phải làm việc gấp 2-3 lần, không có giờ nghỉ ngơi vì có rất nhiều việc phải giải quyết. Bản thân là người làm chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ an toàn cho bệnh nhân, cho nhân viên y tế nên áp lực đặt lên vai chị càng nặng nề hơn. 

"Thiếu cái gì bổ sung ngay cái đấy. Bệnh nhân nặng cần phải truyền máu, không kiếm được ở đâu, Bệnh viện lại huy động tất cả mọi người trong trung tâm hiến máu. Thời điểm đó, tôi cũng không có cảm giác buồn ngủ vì lúc nào cũng căng như dây đàn", chị Thư kể. 

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 9

Là người đã trải qua các cuộc chiến chống Covid-19 lớn nhỏ từ khi dịch bùng phát tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Ninh, Bắc Giang…, nhưng với chị cuộc chiến tại TPHCM là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bệnh nhân nặng vào nhiều, dồn dập, liên tục, tử vong cũng nhiều. 

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 11

Theo chị Thư, những tuần đầu thực sự quá khủng khiếp kể cả với người chai lỳ nhất. Giai đoạn cao điểm có đến gần 400 người bệnh rất nặng, gấp 4 lần so với năng lực của một bệnh viện tuyến đầu. Có những ngày tại bệnh viện dã chiến có hơn 30 bệnh nhân tử vong. Suốt ngày, công việc của nhân viên y tế tại đây lại là liên tục bó tử thi. Sự mất mát đó là điều mà chị Thư và các đồng nghiệp chưa bao giờ chứng kiến trong bệnh viện. 

"Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong cả tuần, cả tháng có khi không có bệnh nhân nào tử vong, trong khi ở đây thì liên tục. Có gia đình cả 3 người vào cấp cứu và lần lượt tử vong, họ ra đi trong lặng lẽ, ra đi một mình. 1-2 tuần đầu như thế khiến chúng tôi bị áp lực rất lớn. Có nhiều khi mọi người trong đoàn chỉ biết im lặng nhìn nhau không biết phải nói gì, có những lúc rơi vào trầm cảm, không biết làm gì tốt hơn cho bệnh nhân dù đã cố hết sức", chị Thư nói. 

Chị vẫn nhớ như in không khí trầm lặng, u ám trên xe ôtô chở cả đoàn từ bệnh viện dã chiến về nơi ở. Bước chân lên xe, mọi người đều không ai nói một câu. Trong cả tuần đầu cứ liên tục như thế, mọi người cứ lặng lẽ. 

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 13

Đau đớn hơn, khi có không ít người bệnh đã được điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do Covid-19 nhưng lại mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Những trường hợp bệnh nhân nặng, suy giảm miễn dịch phải can thiệp nội khí quản, sử dụng nhiều máy móc hỗ trợ khó tránh được việc nhiễm những loại vi khuẩn đa kháng. Dù cố gắng dùng những loại kháng sinh mạnh nhất, hiện đại nhất trên thế giới để điều trị, nhưng các bác sĩ vẫn không thể đánh bại được vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đây là điều đau đớn và bất lực. 

Áp lực quá lớn, có quá nhiều công việc mà người không có, trang thiết bị không có mà cái gì cũng phải cần ngay, cần gấp. Sự thiếu thốn nghiêm trọng từ trang thiết bị, phương tiện tới nhân lực ở đây nằm ngoài sức tưởng tượng của chị. 

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 15

Mục tiêu lớn nhất của công cuộc chống dịch đợt này là giảm tỷ lệ người bệnh Covid-19 tiến triển nặng và tử vong. Nếu không làm tốt kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ không thể đạt được mục tiêu này. 

Chỉ với một nhóm ít ỏi 8 người trong Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn, BS Trương Anh Thư cùng các tình nguyện viên đã đảm trách một khối công việc khổng lồ cho Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai và 10 bệnh viện vệ tinh. Họ làm việc bằng 200-300% sức lực. Họ chính là những con người lặng lẽ đứng sau hỗ trợ đồng đội.

Nhóm người này đóng vai trò giống như những camera giám sát "di động" để kiểm tra, phát hiện những tồn tại khó khăn của đồng nghiệp để giúp họ bảo đảm tuân thủ các bước thực hành, bảo đảm an toàn của bản thân và người bệnh. Mỗi ngày, chị Thư và đồng nghiệp đi lại như con thoi giữa các bệnh viện dã chiến. Tình thế chung lúc này của các bệnh viện dã chiến là không có người làm chuyên trách nhiễm khuẩn, không có trang thiết bị, thậm chí trong tình trạng quá tải tới mức không thể triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo như các quy định, hướng dẫn hiện hành. 

TPHCM đã có nhiều kịch bản nhưng mọi thứ diễn biến đã vượt qua dự báo. Những ngày cuối tháng 7, các bệnh viện dã chiến rơi vào tình trạng thiếu thốn nặng nề, không đủ nhân lực, phương tiện bảo hộ. "Tại một số bệnh viện, nhân viên y tế chỉ được trang bị duy nhất khẩu trang y tế, thậm chí quần áo bảo hộ cũng không đầy đủ. Người nhà F0 cũng vào bệnh viện để chăm người bệnh, không còn ranh giới giữa nhân viên y tế với người bệnh, người nhà, lây nhiễm chéo là tất yếu", chị Thư nói.

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 17

Vì thế, để thích ứng với tình thế khẩn cấp, mọi quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện mang vào TPHCM được xây dựng tối giản nhất. 

Rất may mắn, các đồng nghiệp của chị tại Bệnh viện Bạch Mai chưa ai bị nhiễm SARS-CoV-2. Sau đó thì công việc dần đi vào ổn định. Chị cũng như nhiều đồng nghiệp dần dần nhìn thấy kết quả từ chính những nỗ lực của bản thân, trang thiết bị đầy đủ hơn, ai cũng tự tin hơn trong công việc. Dần dần số ca nặng, tử vong giảm đi, sau 3-4 tuần mọi thứ trở về bình thường. 

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 18
Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 20

Kiểm soát nhiễm khuẩn không phải là ngành "hot", là công việc "hái ra tiền" song chị thấy nó thực sự mang lại hiệu quả, đặc biệt là trong trận chiến với dịch Covid-19. Mỗi người là một mắt xích trong phòng chống dịch. Chỉ cần một mắt xích lỏng lẻo, không được xử lý kịp thời là đủ dẫn đến thất bại. 

"Thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn được xem là mắt xích quan trọng, là "chìa khóa vàng" trong sự thành công của công tác phòng chống và điều trị Covid-19", nữ bác sĩ nói. Nếu như khám chữa bệnh đi vào từng bệnh cụ thể thì dự phòng cũng cứu được nhiều người.  

Nữ tướng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM - 22

"Mỗi người sẽ hợp với một công việc khác nhau, không quan trọng là làm gì mà chúng ta làm công việc đấy như thế nào, làm với trách nhiệm như thế nào. Công việc kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ giúp bệnh nhân tốt hơn, khoa phòng tốt hơn…, nó thực sự đem lại kết quả cho người khác", nữ bác sĩ có hơn 20 năm công tác ở BV Bạch Mai chia sẻ.

Nội dung: Nam Phương
Thiết kế: Khương Hiền