Nữ sinh ngành y góp sức cùng tuyến đầu theo dõi F0 điều trị tại nhà

Đăng Đức

(Dân trí) - Hơn một tháng nay, chiếc điện thoại, máy tính bảng chưa bao giờ rời xa tầm tay của nữ sinh ngành y quê Quảng Trị, để khi nào có cuộc gọi từ F0, cô phải hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân.

Dẫu xa cách địa lý hàng nghìn km, nhưng Trần Thị Phương Thảo (SN 1998, trú ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), đang là sinh viên năm thứ 6 của Trường ĐH Y Dược TPHCM vẫn cùng các bác sĩ và sinh viên y khoa tham gia theo dõi cho nhiều F0 đang điều trị tại nhà ở TPHCM. 

Bác sĩ tương lai theo dõi F0 hàng ngày

Gần cuối buổi chiều, khi các thành viên trong nhóm đang trao đổi một số công việc cần triển khai thì Phương Thảo nhận được cuộc gọi từ một bệnh nhân lớn tuổi tên Hoa (ở quận 8, TPHCM). 

Nữ sinh ngành y góp sức cùng tuyến đầu theo dõi F0 điều trị tại nhà - 1

Đang là sinh viên năm thứ 6, Phương Thảo cùng các bác sĩ và sinh viên của trường tham gia theo dõi F0 điều trị tại nhà ở TPHCM.

Qua cuộc gọi Zalo, Thảo hỏi bệnh nhân khá chi tiết: "Hôm nay cô còn thấy mệt nhiều không, có ho không, họng cô đỡ đau chưa? Vị giác của cô có cảm nhận được chút gì không; cô ăn uống bình thường rồi chứ?".

Đáp lại lời Thảo, bệnh nhân chia sẻ, mình đã ít ho, họng đỡ đau và cảm nhận được vị giác… Đây là một trong những trường hợp mắc Covid-19 mà Phương Thảo theo dõi những ngày qua.

Chương trình theo dõi F0 điều trị tại nhà do Khoa Y của Trường ĐH Y Dược TPHCM tổ chức gần 2 tháng nay. Ban đầu, chương trình được tổ chức thí điểm tại quận 10 (TPHCM) sau đó mở rộng sang các địa bàn khác.

Nữ sinh ngành y góp sức cùng tuyến đầu theo dõi F0 điều trị tại nhà - 2

Do đang ở quê, Thảo không trực tiếp tham gia chống dịch, em tham gia điều trị F0 tại nhà từ xa, góp phần chia sẻ gánh nặng với lực lượng tuyến đầu.

Trong số các trường hợp mắc Covid-19, đa số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà. Do số lượng bệnh nhân ngày càng đông, đội ngũ y tế hiện nay không đáp ứng kịp nên cần tăng cường nhân lực.

Bản thân đang ở quê nhà Quảng Trị, nên Thảo không thể cùng các bạn tham gia phòng chống dịch. Vì thế, khi trường triển khai chương trình này, Phương Thảo đăng ký tình nguyện tham gia. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, sinh viên được thầy, cô hướng dẫn quy trình theo dõi, gọi video khám bệnh và đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân. Mỗi nhóm sẽ có một bác sĩ và 3-4 sinh viên y khoa.

Quá trình theo dõi được tiến hành trình tự từng bước. Ban đầu bác sĩ tiếp cận, trao đổi nguyện vọng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đồng ý điều trị ở nhà, sẽ được lập nhóm Zalo, gọi video chung cho cả nhóm. Khi thực hiện cuộc gọi lần đầu để đánh giá, phân tầng nguy cơ từng bệnh nhân, xây dựng lịch theo dõi phù hợp. Thường thì sinh viên theo dõi những bệnh nhân nhẹ, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ báo ngay với bác sĩ để can thiệp. 

"Theo dõi qua các phương tiện trực tuyến, nên sinh viên như chúng em cần phải nắm bắt tâm lý bệnh nhân, động viên họ, việc hỏi bệnh phải thật chi tiết, cặn kẽ", Thảo cho biết.

Mỗi ngày, nhóm có thể tiếp nhận thêm từ 8-10 bệnh nhân và phân chia từng người theo dõi. Bệnh nhân nhẹ thì ngày gọi thăm khám 2 lần, bệnh nhân nặng hơn thì phải thăm khám thường xuyên. Mỗi người có thể đảm nhận theo dõi 5 bệnh nhân. 

Chia sẻ gánh nặng với lực lượng tuyến đầu

Theo Phương Thảo, khó khăn nhất khi theo dõi F0 điều trị tại nhà là khi bệnh nhân trở nặng, nhưng không có máy đo ô xi trong máu (SPO2), máy đo nhiệt độ, huyết áp… nên khó phát hiện kịp thời.

Nữ sinh ngành y góp sức cùng tuyến đầu theo dõi F0 điều trị tại nhà - 3

Phương Thảo tham gia điều phối bệnh nhân cho các nhóm.

Thảo kể về một trường hợp bệnh nhân tên H. (31 tuổi) bị giảm ô xi trong máu, nhưng không có thiết bị để đo nên không phát hiện kịp, nên trường hợp này dần khó thở. Ngay sau khi phát hiện tình trạng trên, Thảo đã hướng dẫn người bệnh mượn máy của người khác và phát hiện ô xi trong máu bị tụt. Ngay lập tức, Thảo gọi cho nhóm tại hiện trường hỗ trợ.

Sau khi thở ô xi được một ngày thì bệnh nhân có dấu hiệu khỏe lại và xét nghiệm âm tính, sau đó xuất viện về nhà.

Ngoài việc hướng dẫn cho bệnh nhân theo dõi sức khỏe, các bác sĩ và sinh viên còn hướng dẫn ăn uống, tập thể dục để phục hồi sức khỏe. Có những bệnh nhân hợp tác rất tốt với đội ngũ bác sĩ, nhưng cũng có những F0 đã từ chối ngay từ đầu. Trong tình huống này, bác sĩ phải giải thích, thuyết phục để bệnh nhân đồng ý nhận sự theo dõi và hỗ trợ điều trị.

Đặc biệt, có một số bệnh nhân tự xin toa thuốc uống, gây khó khăn cho quá trình theo dõi, điều trị: "Ngoài việc thăm khám cho bệnh nhân, nhóm chúng em cũng chú ý kiểm tra nhịp thở, kiểm tra việc uống thuốc. Nếu phát hiện bệnh nhân uống thuốc sai phải điều chỉnh lại thuốc cho phù hợp".

Nữ sinh ngành y góp sức cùng tuyến đầu theo dõi F0 điều trị tại nhà - 4

Do lượng bệnh nhân đông nên nhiều thời điểm Thảo làm việc đến tận sáng.

Thảo cho hay, hiện nay nhóm của mình đã hỗ trợ, theo dõi giúp cho hàng chục bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh. 

Ngoài việc hỗ trợ, theo dõi sức khỏe của F0 điều trị tại nhà, hiện Thảo còn đảm nhận việc điều phối các nhóm sinh viên theo dõi F0 tại địa bàn quận 8, TPHCM. Hàng ngày, các thành viên trong nhóm sẽ tiếp nhận danh sách của phường gửi đến, sau đó tiến hành lọc bệnh nhân, nhu cầu điều trị và chia cho từng nhóm.

Phương Thảo cho biết, tại địa bàn quận 8 có gần 180 nhóm với hơn 1.000 sinh viên và 200 bác sĩ tham gia. Nhiều thời điểm, lượng bệnh nhân quá đông nên nhóm các bác sĩ và sinh viên phải thức đến gần sáng để lọc bệnh nhân, theo dõi và hướng dẫn trong điều trị.

Nữ sinh ngành y góp sức cùng tuyến đầu theo dõi F0 điều trị tại nhà - 5

Máy tính bảng, điện thoại... những phương tiện cần có trong quá trình theo dõi.

"Đây cũng là cơ hội để những sinh viên ngành y như chúng em học thêm kỹ năng hỏi bệnh, giao tiếp bệnh nhân và điều trị Covid-19, góp phần giảm tải cho tuyến trên", Thảo tâm sự.

Dịch Covid-19 đang phức tạp, lực lượng y tế đang ngày đêm "căng sức" để điều trị cho các bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ và sinh viên theo dõi F0 điều trị tại nhà sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng với các lực lượng tuyến đầu.

"Công việc của chúng em dẫu có vất vả nhưng làm sao so sánh với các bác sĩ, tình nguyện viên ở tuyến đầu, đang ngày đêm đối diện với nguy hiểm, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân", Thảo chia sẻ.

Sau một thời gian triển khai, Trường ĐH Y Dược TPHCM đã kêu gọi thêm sinh viên của nhiều trường ĐH Y khoa Vinh, ĐH Y Dược Huế và khoa Y của ĐH Đà Nẵng tham gia theo dõi, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.