Nữ sinh cứ đến kỳ thi lại đau bụng và nguyên nhân bất ngờ ở phía sau
(Dân trí) - Qua quan sát, gia đình phát hiện các cơn đau bụng của bệnh nhân thường xuất hiện trước các kỳ thi. Khi đã qua kỳ thi, em lại hết đau bụng hoặc chỉ đau âm ỉ.
Cứ đến gần kỳ thi là đau bụng và nguyên nhân bất ngờ
N.T.H., 15 tuổi, được đưa đến viện để thăm khám vì thường xuyên xuất hiện những cơn đau bụng không rõ nguyên do.
Theo chia sẻ từ gia đình, H. có biểu hiện bệnh từ năm 8 tuổi. Cụ thể, trẻ thường kêu đau bụng vùng thượng vị, đau dữ dội từng cơn… có những lúc đau vã mồ hôi nhưng không bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hay táo bón.
Gia đình đã cho H. đi khám và chữa nhiều nơi. Tuy nhiên, qua thăm khám, xét nghiệm phân, chụp chiếu đường ruột… lại không hề có tổn thương liên quan đến tiêu hóa.
Đáng chú ý, qua quan sát, gia đình phát hiện các cơn đau bụng của bệnh nhân thường xuất hiện trước các kỳ thi. Khi đã qua kỳ thi, H. lại hết đau bụng hoặc chỉ đau âm ỉ.
Năm nay là năm cuối cấp phải ôn thi cường độ cao, các cơn đau bụng của nữ sinh này lại xuất hiện nhiều hơn, người luôn kêu mệt mỏi, yếu đuối nên thường xuyên xin nghỉ học đi điều trị.
Đây là một trường hợp được TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Rối loạn liên quan đến stress - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị trong thời gian vừa qua.
Theo TS Tâm, trường hợp nữ sinh này là bị đau bụng do stress vì việc học.
"Nhiều trẻ bị sợ học, ngại học chuyển hóa thành các triệu chứng như đau đầu hay đau bụng (thường gặp nhất) và đây là những cơn đau thật chứ không phải các bạn bịa ra để trốn học", TS Tâm phân tích.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, cũng có nhiều trẻ trong mùa thi bị stress gây tăng tiết dịch vị, dẫn đến đau dạ dày, viêm dạ dày. Có một thực tế là trẻ bị viêm dạ dày do căng thẳng rất nhiều. Tình trạng này được gọi là bệnh cơ thể tâm sinh.
Nhiều áp lực vô hình đè nặng lên tâm lý học sinh
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, thời điểm nào trong năm cũng đều có học sinh đến khám vì căng thẳng do học hành. Tuy nhiên, trước những mốc quan trọng như thi đại học, chuyển cấp, tỷ lệ học sinh đi khám tăng gấp ba đến bốn lần.
Theo TS Tâm có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress đối với học sinh, sinh viên đặc biệt là trong mùa thi, có thể kể đến như:
- Áp lực học và thi: Chương trình học khó, quá nhiều thứ phải học, lo lắng định hướng tương lai. Bên cạnh đó còn có một số tác nhân gây stress sau thi như: kết quả thi, sự hài lòng về lựa chọn của bản thân.
- Áp lực từ nhà trường: Nhiều trường học gây áp lực quá mức với học sinh để đạt thành tích cao.
- Áp lực từ gia đình: Thiếu sự quan tâm tạo điều kiện của gia đình trong việc học gây khó khăn cho trẻ. Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức, sự hy vọng quá mức cũng là áp lực vô hình đè nặng lên vai sĩ tử .
Stress, trầm cảm tuổi học đường: Giải pháp là gì?
TS Tâm nhấn mạnh việc cần nhận thức stress là phép thử mà mỗi lần vượt qua giúp hoàn thiện và trưởng thành hơn. Tuy nhiên nếu không có kỹ năng đối mặt với stress sẽ khiến trẻ rơi vào rối loạn tâm lý, trầm cảm.
Với trẻ bị stress, điều quan trọng là cần xác định gốc rễ vấn đề để loại bỏ hoặc tìm cách vượt qua, thích ứng với nó.
Gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn tới con trẻ bằng cách chia sẻ, thấu hiểu, tâm sự. Phụ huynh không nên áp đặt tiêu chí quá cao hay có thái độ buông bỏ trước nỗ lực của trẻ.
Với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.
Bên cạnh đó, những trẻ có nhân cách mạnh được chứng minh là có thể dễ dàng vượt qua các áp lực tâm lý, stress hơn. Nhân cách là yếu tố cần được bồi dưỡng từ nhỏ từ bố mẹ, nhà trường môi trường sống, trải nghiệm của con.
"Bên cạnh đó, phụ huynh khi thấy trẻ có tâm trạng bất thường, dễ nổi cáu bộc phát, giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây; tránh né việc đi học; suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên... cần được bác sĩ khám, tư vấn tâm lý sớm, điều trị kịp thời", TS Tâm khuyến cáo.