Nóng trong người có phải chỉ do vấn đề ở gan?

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi gan nóng chức năng của nó sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Các chất độc không được bài tiết, tích tụ lâu ngày dẫn tới nhiều bệnh tật.

Những nguyên nhân gây nóng trong người

Nóng trong người có phải chỉ do vấn đề ở gan? - 1

Bên trong

chức năng hoạt động của các phủ tạng quá yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Cụ thể là gan và thận suy yếu nên chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm độc chất bị tích tụ lại và chính những độc tố này tạo môi trường thuận lợi phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng.

Bên ngoài

- Dùng nhiều loại hóa chất (uống thuốc trong giai đoạn điều trị bệnh).

- Sử dụng chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá…).

- Ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, thực phẩm quá ngọt. Chính năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể.

- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức làm các tế bào hô hấp mạnh nên sinh nhiệt.

- Uống quá ít nước, không đủ làm mát cơ thể.

Tình trạng nóng trong nếu tồn tại trong thời gian dài sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe:

- Suy yếu hệ miễn dịch nên dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa. 

- Là tác nhân dẫn đến sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, rối loạn thành mạch…

- Thiếu và mất nước quá nhiều dẫn đến tiểu ít, rối loạn chất điện giải, urê huyết cao gây co giật, hôn mê, nặng nhất là nhiễm độc thần kinh.

Một vài triệu chứng điển hình khi bị nóng trong

- Da xấu, nổi mụn nhọt.

- Nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa ngáy khó chịu.

- Màu da chuyển vàng rõ rệt.

- Nước tiểu có màu vàng đậm, phân màu bạc hơn.

- Cơ thể mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ,…

- Yếu cơ.

- Khô miệng, khát nước.

Biện pháp khắc phục nóng trong người

Nóng trong biểu hiện cả bên ngoài lẫn bên trong nên phải kết hợp những biện pháp sau mới mong đạt hiệu quả cao trong điều trị:

- Xây dựng chế độ ăn uống thích hợp, tránh thừa dinh dưỡng và các chất gây dị ứng để hạn chế tối đa việc phát sinh chất độc, đồng thời tránh xa chất kích thích thần kinh như: rượu bia, thuốc lá, cà phê…

- Bổ sung một số loại thức ăn mát, luộc, hầm như: canh khổ qua, bí đao, bí đỏ, bầu, diếp cá, rau ngót, mã đề, rau má, rau đay, mồng tơi… và các loại hoa quả như dưa hấu, dưa gang, cam, bưởi, thanh long…

- Thường xuyên tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ và chạy để ra nhiều mồ hôi. Việc tập thể dục rất quan trọng vì vừa đẩy độc tố ra khỏi cơ thể vừa tăng cường thể lực và chức năng toàn thân.

- Cố gắng giữ tâm trạng thoải mái, tránh stress hay ức chế lâu dài.