Nông dân bị bao vây trong môi trường độc hại và bệnh tật

(Dân trí) - BV Việt Đức liên tục phải cấp cứu những ca tai nạn lao động nông nghiệp. Theo kết quả điều tra của ĐH Quốc gia Hà Nội, cả nước có 15-20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khoảng 70% trong số đó đã có triệu chứng ngộ độc.

Chỉ trong 2 ngày gần đây nhất, khoa Cấp cứu - BV Việt Đức tiếp nhận tới 6 ca tai nạn do bị máy ép gạch cán nát tay, chân do bất cẩn khi dọn dẹp hoặc trong lúc sản xuất.

Theo khảo sát của ĐH Quốc gia Hà Nội, có tới 89,89% nông dân không nắm được cách sử dụng máy nông nghiệp. Phần lớn nông dân sử dụng, vận hành máy móc là do học hỏi lẫn nhau, qua truyền miệng. Cứ 100.000 lao động nông thôn thì có 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc với các tai nạn kiểu: bị dây cua-roa chẹt đứt ngón tay khi khởi động máy hoặc tay quay văng vào mặt; máy tuốt hút tay vào ổ máy, thóc bắn vào mắt... Đó là những thông tin gây sốc được công bố tại hội thảo liên quan đến thực trạng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) do Viện Tài nguyên- Môi trường tổ chức.
 
Nông dân bị bao vây trong môi trường độc hại và bệnh tật  - 1
Môi trường lao động của nông dân ngày càng độc hại
 
Viện trưởng Bùi Thị An khẳng định: "Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các làng nghề, tai nạn lao động cũng ngày càng gia tăng. Riêng HN, kể từ khi mở rộng thủ đô tiếp nhận 1.100 lao động trong các làng nghề. Thế nhưng việc kiểm tra an toàn lao động ở những nơi này rất khó, hầu như không được thực hiện. Thiếu hiểu biết và không thực hiện quy định trong ATVSLĐ đã khiến nhiều nông dân phải trả giá bằng một phần cơ thể, sức khoẻ thậm chí là tính mạng của mình".
 
Điển hình như vụ tai nạn xảy ra đầu năm 2009 ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, HN. Một bức tường lò gạch đã bị sập làm 1 người chết và 4 người bị thương. Đáng lưu ý, cũng tại xã này, vào thời gian đầu năm ngoái (2008), đã xảy ra vụ sập lò gạch làm 6 người chết, 4 người bị thương nặng. Sau các vụ tai nạn này, các lò gạch vẫn tiếp tục hoạt động, trong đó hầu hết các chủ lò đều không có hợp đồng với người lao động mà chỉ hợp đồng... miệng; không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân; không tập huấn về an toàn lao động...
 
Theo các chuyên gia y tế, môi trường và điều kiện lao động nông nghiệp cũng đang ngày càng khắc nghiệt độc hại. Như tại Xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, HN có 1.700 hộ với 6.700 nhân khẩu thì có hơn 900 cơ sở sản xuất các mặt hàng về cơ khí và gỗ mỹ nghệ. Theo thống kê của Trạm y tế xã, mỗi năm, trung bình ở xã này có hơn 200 trường hợp bị TNLĐ đến khám và chữa trị tại trạm xá, 75% số lao động nữ bị mắc các bệnh phụ khoa. Tương tự, tại xã Dương Liễu, Cát Quế HN- nơi có trên 2.000 hộ làm các nghề chế biến tinh bột thô, mạch nha, miến dong, bánh kẹo... đồng thời kết hợp với chăn nuôi lợn, gia súc. Tỉ lệ đau mắt hột trong lao động làng nghề chiếm đến 70% và còn nhiều bệnh khác về đường ruột, đường hô hấp... Làng nghề nấu rượu Bá Giang huyện Đan Phượng trong 5 năm trở lại đây có 70% số người chết do mắc bệnh ung thư …
 
Trong khi đó, hoá chất dùng để chăm bón cây trồng hoặc sản xuất ngày càng được người nông dân sử dụng nhiều và rộng rãi nhưng lại rất ít chú ý đến việc đảm bảo môi trường xung quanh và cả an toàn cho bản thân. Theo kết quả điều tra của ĐH Quốc gia Hà Nội, cả nước có 15-20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khoảng 70% trong số đó đã có triệu chứng ngộ độc.
 
Thiếu an toàn trong sử dụng điện sản xuất cũng đang là mối hiểm họa treo lơ lửng đầu của người nông dân. Thói quen dùng điện để bảo vệ vật nuôi, hoa màu, diệt chuột của nhiều hộ nông dân đã gây ra nhiều vụ tai nạn chết người đáng tiếc.

Nguyên nhân của tình trạng này trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước hiện nay trước tiên do hệ thống cơ quan quản lý của chúng ta còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ quản lý lại rất mỏng, không đủ để giám sát quan lý một cách chặt chẽ. Viện Tài nguyên - Môi trường kiến nghị: "Để giải quyết vấn đề, bảo vệ sức khoẻ người nông dân và giống nòi, Nhà nước cần triển khai những biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu khoa học, hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn đủ để hướng dẫn người nông dân thực hiện những biện pháp ATVSLĐ".

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm