Nơm nớp lo “kho máu” cạn kiệt

(Dân trí) - Với những người mắc các bệnh về máu, thời điểm này là nỗi sợ hãi của người bệnh. “Kho máu” cạn kiệt đồng nghĩa với việc điều trị phải cầm chừng, người bệnh chịu bao nỗi đớn đau thể xác vì thiếu máu. "Kho máu" đang cạn kiệt, đặc biệt nhóm máu A, O.

Đau đớn, mỏi mòn vì chờ… máu

Những ngày đầu năm mới 2015, những người làm việc tại các khoa Huyết học, vận động hiến máu trong cả nước lo nơm nớp bởi tình trạng máu dự trữ trong kho cứ vơi dần, trong khi nhu cầu điều trị vẫn giữ nguyên, thậm chí tăng trong thời điểm này do phục vụ cấp cứu cho các ca tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ.
 
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại! Người bệnh cần lắm những giọt máu 
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại! Người bệnh cần lắm những giọt máu đào nghĩa tình, đặc biệt là nhóm máu A, O trong thời điểm này. Ảnh: Bác sĩ Vũ Quang Hưng.

Trong đó đặc biệt thiếu trầm trọng nhóm máu A và nhóm O. Nhóm máu O là nhóm máu “phổ thông” nhất với khoảng gần 50% dân số Việt Nam mang nhóm máu này. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm hai nhóm máu này đang ở mức đỉnh điểm, không chỉ riêng tại Hà Nội mà còn xảy ra ở nhiều Trung tâm Truyền máu khác như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Điện Biên... dẫn đến việc người bệnh phải mỏi mòn chịu đau, bị đe dọa tính mạng vì phải… chờ máu.

Tại viện Huyết học và truyền máu Trung ương, những bệnh nhân mắc bệnh căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia - một căn bệnh di truyền về máu) đang phải điều trị cầm chừng bởi loại “thuốc hiếm” mà họ phải gắn bỏ cả đời đang bị cạn kiệt. Loại “thuốc” đặc biệt này không bán ở quầy, là loại “thuốc” chỉ có trong dòng máu mỗi con người. Để được điều trị, họ phải được truyền máu từ nguồn máu tình nguyện mà người dân hiến tặng. 

Không được điều trị truyền máu và thải sắt theo định kỳ người bệnh vô cùng đau đớn do ứ đọng sắt làm sưng to các nội tạng, cơ thể biến dạng… Những nỗi đau ấy, người bệnh đang phải trải qua bởi kho máu đang thiếu trầm trọng, họ chỉ có thể được điều trị cầm chừng.

Hay với những bệnh nhân mắc bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông), khi phát bệnh, người bệnh bị chảy máu trong cơ thể, có người bị chảy máu tại khớp, đau đớn kéo dài, nguy hiểm hơn, để tình trạng chảy máu kéo dài tại khớp có nguy cơ gây biến dạng khớp, khiến bệnh nhân phải chịu những biến chứng lâu dài không thể hồi phục được, gây tàn tật. Đã từng có bệnh nhân bị chảy máu khớp chân, sau biến dạng gây tàn tật không tự đi lại được, phải dùng nạng gỗ. Hậu quả là hai khớp vai trước vốn rất bình thường, thì nay cũng thường xuyên bị chảy máu do phải tiếp xúc với nạng. Biết rõ nguy cơ người bệnh phải đối mặt nhưng vì máu thiếu nên cả bác sĩ, người bệnh đều phải chấp nhận chờ đợi…

“Thuốc đặc biệt” đang thiếu

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, tình trạng khan hiếm máu bắt đầu từ dịp Tết dương lịch, kéo dài cho hết Tết ta. Đặc biệt là thiếu trầm trọng hai nhóm máu A và O. 

Thông thường nhóm máu A phải đạt 20% trong tổng lượng máu lưu trữ và phân phối, nhưng tại Viện có những ngày nhóm máu này chỉ ở mức 5-7%, có ngày chỉ dưới 4%. Trong khi đó lượng máu các nhóm khác (nhóm B và AB) còn khá dồi dào, đủ cung cấp cho nhu cầu của người bệnh.

Giải thích về tình trạng thiếu máu nhóm O, GS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: “Nhóm máu O là nhóm máu phổ thông nhất, với khoảng 45 - 46% dân số Việt Nam mang nhóm máu này. Chính vì phổ biến, nên tỉ lệ người đau ốm trong cộng đồng có nhóm máu O cũng thường cao hơn. Thứ hai, nhóm máu O là nhóm máu có thể truyền thay thế được cho tất cả các nhóm máu khác. Điều này dẫn đến việc trong quá trình sử dụng máu, đặc biệt đối với các trường hợp cấp cứu, trường hợp khó định được nhóm máu, khó tìm được nhóm máu phù hợp… thì nhóm máu O sẽ được các cơ sở điều trị dùng truyền thay thế. Vì thế, tuy là nhóm máu phổ thông nhất nhưng nhóm máu O lại luôn ở trong tình trạng “cạn kho” vì tần xuất sử dụng nhiều hơn so với các nhóm máu khác”.

Theo tổng hợp từ các bệnh viện gửi về Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, nhu cầu về lượng máu A và máu O cho điều trị từ dịp Tết dương lịch tới Tết nguyên đán cần có 5.000 đơn vị máu nhóm A và 8.000 đơn vị máu nhóm O. Như vậy trung bình mỗi ngày cần từ 80 - 100 đơn vị máu nhóm A và 120 - 150 đơn vị nhóm O. Thế nhưng theo cập nhật mới nhất, ngày 05/1/2015, lượng máu nhóm A ở mức báo động khẩn cấp vì A không đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng máu trong 1 ngày. Ví như BV Bạch Mai dự trù 100 đươn vị nhóm máu A thì chỉ được cấp phát tạm thời 1 đơn vị.

Giáp Tết dương lịch và trong những ngày nghỉ Tết, chương trình hiến máu kêu gọi nhóm máu A và nhóm máu O diễn ra liên tục tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, hơn 3.000 tin nhắn gửi tới người nhóm máu A đã được gửi đi, nhưng lượng máu tiếp được chỉ đạt gần 100 đơn vị. Trong tuần đầu năm mới 2015, những lịch hiến máu bằng xe hiến máu lưu động liên tục được triển khai nhưng lượng máu trung bình tiếp nhận được rất ít, trung bình từ 30 - 50 đơn vị máu/ngày, chưa có các lịch tiếp nhận máu số lượng lớn tại cộng đồng, tại các cơ quan, đơn vị.  

Hay tại Trung tâm Truyền máu Thái Nguyên hiện chỉ còn dưới 50 đơn vị máu, trong khi đó, nhu cầu máu mỗi ngày là từ 30 - 40 đơn vị.

Tại Trung tâm Truyền máu Hải Phòng, trung bình mỗi tháng cần 1.200 - 1.500 đơn vị máu, hiện cũng rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng nhóm máu A. Theo số liệu cập nhật ngày 05/1, tổng lượng máu của trung tâm còn chưa đầy 50 đơn vị máu, trong đó nhóm máu A gần như cạn kiệt.

Các ngày hội hiến máu kêu gọi, vận động người nhóm máu A và nhóm máu O hiến máu liên tục được diễn ra tại Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương từ 7:30 – 20:00 (cả thứ Bảy và Chủ nhật và các ngày hiến máu tại cộng đồng. Thông tin và đăng ký hiến máu: (04) 38686008 – 0982 666 028 (Mai Ly).

Hồng Hải