Nổi u cục ở vú, khi nào cần phải sinh thiết?

Hà An

(Dân trí) - Thông qua chụp chiếu và siêu âm tuyến vú, bác sĩ có thể nhìn thấy toàn trạng của khối u vú, từ đó đánh giá xem liệu có cần thiết phải sinh thiết hay không.

Sinh thiết vú là lấy một phần nhỏ trong khối u ở vú hoặc lấy hoàn toàn khối u vú để kiểm tra xem hình thái tế bào và cấu trúc mô có phải ác tính hay không thông qua bác sĩ Giải phẫu bệnh phân tích dưới kính hiển vi.

Sinh thiết là một thủ thuật xâm lấn nhưng cho phép bác sĩ chẩn đoán tốt hơn về những hình ảnh trong khối u đó. Và chỉ có sinh thiết thì bác sĩ mới có thể biết bản chất chính xác u cục.

Nổi u cục ở vú, khi nào cần phải sinh thiết?  - 1

Ths.Bs Lê Thị Trang, khoa Giải phẫu Bệnh lý, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết không phải tất cả các u cục ở vú đều phải thực hiện sinh thiết. Việc chụp chiếu và siêu âm tuyến vú cho phép bác sĩ có thể nhìn thấy toàn trạng của khối u vú và giúp cho bác sĩ đánh giá xem liệu có cần thiết phải sinh thiết không?

Mỗi khối u có các đặc trưng riêng, tuy nhiên, không có một đặc điểm riêng biệt nào có thể cho chúng ta biết u đó là lành tính hay ác tính. Chính vì vậy, chúng ta cần nhìn vào tất cả các đặc điểm.

Sau khi sinh thiết, bệnh phẩm lấy từ khối u của bệnh nhân được mang đi làm xét nghiệm tại khoa Giải phẫu bệnh. Kết quả sinh thiết có thể có trong ngày hoặc đôi khi mất từ 2 - 5 ngày, phụ thuộc vào lượng mô lấy ra và loại xét nghiệm.

Nếu khối u đó lành tính, bác sĩ sẽ chỉ khuyên tầm soát thường xuyên để kiểm tra rằng u cục đó không thay đổi.

Nếu kết quả dương tính với tế bào ung thư, bác sĩ sẽ cần xác định bản chất của ung thư và phương pháp chẩn đoán hỗ trợ khác để đưa ra hướng xử lý phù hợp.