1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Nới” quy định để thoáng cho người khám chữa bệnh bảo hiểm

(Dân trí) - Duy trì mức cùng chi trả nhưng thêm quy định về mức trần chi trả của người bệnh, bỏ quy định không thanh toán chi phí điều trị với nhiều bệnh như mổ cận thị với trẻ 6 tuổi, bệnh nghề nghiệp… Đây là những quy đinh mới “vì người bệnh” được đề xuất.

“BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”
 
Trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) chiều 6/11, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến hết năm 2012, tổng số người tham gia BHYT là 59,3 triệu, tăng 9 triệu người so với năm 2009, đạt tỷ lệ bao phủ 67% dân số. Từ năm 2010 - 2012 quỹ BHYT tiếp tục cân đối thu chi và có kết dư, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác khám bệnh, chữa bệnh.
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT. Đây là trách nhiệm xã hội để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Bổ sung quy định mức hưởng BHYT theo thời gian tham gia BHYT.
“Nới” quy định để thoáng cho người khám chữa bệnh bảo hiểm
Bộ trưởng Y tế trao đổi với Thứ trưởng Công an Đặng Văn Hiếu, Trưởng ban kinh tế TƯ Vương Đình Huệ bên hành lang QH ngày 6/11 (ảnh: Việt Hưng).

Dự thảo Luật đã sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT gồm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; nhóm tự đóng BHYT.

Trách nhiệm đóng BHYT của quỹ bảo hiểm xã hội đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội cũng được bổ sung.

Ngoài ra, dự thảo luật còn thêm quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT. Cụ thể: người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ sáu trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Luật cũng sửa đổi quy định đối tượng được thanh toán chi phí vận chuyển thống nhất với đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT như người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo… Sửa đổi quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật trong phạm vi quyền lợi và theo mức hưởng do Chính phủ quy định khi khám bệnh, chữa bệnh nội trú và một số bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú.

Luật mới cũng bãi bỏ quy định quỹ BHYT không thanh toán chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi; bệnh do “tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”; trường hợp tự tử, tự gây thương tích; tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra. Bãi bỏ quy định thanh toán đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại nước ngoài vì thực tế rất khó kiểm soát chi phí và không khuyến khích việc khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài trong điều kiện quỹ BHYT còn hạn hẹp.
 
Cần quy định trường hợp khám sàng lọc hưởng BHYT

Thẩm tra dự án luật, UB Các vấn đề xã hội đánh giá, việc sửa luật là cần thiết, tuy nhiên dự thảo Luật cần nghiên cứu các vấn đề như quy định trường hợp được khám sàng lọc hưởng BHYT (sàng lọc khám phụ khoa, sức khỏe khi phụ nữ có thai, sức khỏe thai nhi, trẻ sơ sinh).

Về mức hưởng BHYT, UB này cho rằng, qua 4 năm triển khai Luật BHYT, việc thực hiện cùng chi trả đã dần ổn định, góp phần chống lạm dụng quỹ BHYT và bảo đảm an toàn quỹ. Tuy nhiên, mức cùng chi trả đối với người nghèo, một bộ phận thân nhân người có công chưa hợp lý, do đó, quy định các đối tượng này cùng ở mức chi trả 5% sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, để khắc phục việc người nghèo khó khăn khi cùng chi trả 5%, nên quy định theo hướng sử dụng quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo ở địa phương cùng chi trả 5% để hỗ trợ người nghèo, quy định này cũng sẽ góp phần tránh lạm dụng quỹ BHYT.

Về quy định mức tối đa cùng chi trả khám chữa bệnh BHYT, cơ quan thẩm tra tán thành với dự thảo do Chính phủ trình, theo đó quy định mức cùng chi trả tối đa/năm và gắn với số năm tham gia BHYT liên tục, khi vượt quá mức này thì người bệnh không phải thực hiện cùng chi trả. 

“Quy định như vậy sẽ bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT mắc các bệnh mạn tính, gặp khó khăn trong điều trị bệnh, giúp họ không rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo, đồng thời căn cứ vào khả năng bảo toàn quỹ, Chính phủ sẽ quy định mức trần cho hợp lý”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB nêu rõ.

Vấn đề vượt tuyến, trái tuyến gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên, hiện đang là vấn đề bức xúc của dư luận xã hội. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng tán thành dự thảo do Chính phủ trình, quỹ BHYT sẽ chi trả cho trường hợp khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú, còn với người đi khám ngoại trú thì quỹ BHYT chỉ chi trả một số bệnh, mức chi cụ thể giao cho Chính phủ quy định.

Thực tế cho thấy, Chính phủ đã ban hành quy định cho phép quỹ BHYT chi trả bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến (cả nội, ngoại trú) theo mức 70%, 50%, 30% (tùy hạng bệnh viện). Sau 4 năm thực hiện quy định này, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt (2010) lên 9,5 triệu (2011) và 11,6 triệu lượt (2012).

Tình trạng này, một mặt do nhu cầu của người bệnh, mặt khác, các bệnh viện tuyến trung ương do thực hiện tự chủ và chủ yếu thanh toán theo cơ chế phí dịch vụ nên đã nhận điều trị cả các loại bệnh thông thường để tăng nguồn thu cho bệnh viện, gây nên tình trạng quá tải (nhiều nơi là quá tải ảo). Quy định về  khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến cũng làm phát sinh cơ chế xin/cho để được chuyển viện ở các bệnh viện tuyến dưới.

P.Thảo