Nơi người mất trí quậy tưng bừng
Nhân ngày Thế giới về Alzheimer - 21-9, báo chí thế giới nhắcnhiều về ngôi làng nhỏ Hogewey, nằm cách thủ đô Amsterdam, Hà Lan vàicây số, như một thiên đường dành cho người mắc bệnh Alzheimer.
Sống trong ngôi làng Hogewey, những cụ già mắc bệnh Alzheimer không hề bị xem là bệnh nhân mà được coi là những công dân bình thường. Các bác sĩ tại đây không mặc áo blouse trắng. Các cụ cao niên ở đây được thụ hưởng một cuộc sống tự chủ và thanh bình cho đến cuối đời.
Tha hồ bừa bộn, đi ngang về tắt
Họ, tổng cộng 152 cụ ông và cụ bà, đã đến sống tại làng Hogewey này hoàn toàn không bị ràng buộc về giờ giấc sinh hoạt, được làm tất cả những gì mình thích và muốn làm. Các cụ được quăng vứt lộn xộn, sống bừa bãi tùy thích. Các cửa nhà và cửa hiệu luôn luôn được mở. Các cụ được tự do ra ngoài đi tản bộ bất cứ lúc nào nhưng luôn được các hướng dẫn viên theo dõi sát sao một cách “bí ẩn” 24/24 giờ. Với một hệ thống camera quan sát, bất cứ lúc nào có một cụ sắp vượt qua “lằn ranh an toàn” của làng thì ngay lập tức sẽ có nhân viên nhã nhặn hướng dẫn cụ quay về. Ngôi làng có một đội ngũ nhân viên 250 người gồm các bác sĩ, điều dưỡng lão khoa và các nhân viên cấp dưỡng.
Tại Hogewey, các cụ có thể dầm mưa đi chơi. Các cụ được tự do tiếp xúc với thiên nhiên và môi trường sống bên ngoài. Nếu ở nơi khác, các cụ bị bệnh Alzheimer được đưa đến các nhà dưỡng lão theo kiểu truyền thống và bị cắt đứt mọi liên lạc với xã hội bên ngoài, phải sống trong một không gian bệnh viện thì tại đây, họ được sống trong một không gian sống bình thường như những người khỏe mạnh không bệnh tật. Các cụ muốn ăn uống, ngủ nghỉ hay thức dậy lúc nào cũng được. Các cụ tự do đi mua sắm, thoải mái vào bếp tự nấu món ăn và tham gia các hoạt động văn hóa tập thể.
Bài trí theo ký ức còn sót lại
Trong “làng Alzheimer”, giữa các phòng nghỉ của các cụ không có những dãy rèm ngăn cách tạo một không gian vô hồn mà mỗi phòng có 6-7 cụ cùng chia sẻ không gian sinh hoạt ngủ, nghỉ chung trong những dãy nhà hai tầng. Tổng cộng có 23 “căn hộ” nhỏ như vậy trên tổng diện tích 1,5 ha và mỗi căn hộ được bài trí riêng theo sở thích và phong cách sống trong quá khứ của các cụ, ngay tại thời điểm mà trí nhớ của các cụ đã bắt đầu “chệch choạc”. Do đó, trong một vài căn hộ, thời gian như dừng lại từ giữa thập niên 1950, một vài căn khác là từ thập niên 1970.
Gì cũng có, trừ trường học
Được quỹ an sinh xã hội của chính phủ tài trợ hoàn toàn, “làng Alzheimer” nhanh chóng được biết đến và đạt được nhiều thành công trong việc chăm sóc người già bị bệnh Alzheimer tại Hà Lan, một đất nước hiện có trên 100.000 người cao tuổi bị thoái hóa suy giảm trí nhớ trên tổng số khoảng 17 triệu dân (85% trong số họ được chăm sóc tại nhà). Theo ước tính, con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020. Chi phí đăng ký ngang với giá của các cơ sở tổ chức dịch vụ công khác của chính phủ Hà Lan là 5.000 euro/tháng, trong đó quỹ an sinh xã hội sẽ chi trả một phần ứng theo phần góp của người đó vào quỹ.
Nhìn từ ngoài vào, khung cảnh Hogewey vẫn giống như bao ngôi làng nhỏ khác tại Hà Lan: Một khu nhà ở dung dị, một tiệm tạp hóa, một rạp chiếu phim, một vài quán ăn, một nhà bưu cục, một tiệm hớt tóc, một vài khoảnh vườn cây xung quanh một chiếc ao nước nhỏ,... Nhưng có cái khác là tại làng Hogewey này không có trường học. Bởi cư dân nơi đây không còn cần đi học nữa, tất cả họ đều đã bị mắc bệnh Alzheimer.
Tất cả người bên ngoài đều có thể vào thăm làng Hogewey để ăn tối tại đây, để mua sắm, để thư giãn giải trí và để gặp gỡ trò chuyện với các cụ. Chỉ cần báo với bộ phận tiếp tân là được. “Làng Alzheimer” cũng tổ chức những chuyến tham quan theo đoàn, có thu phí, để giới thiệu rộng rãi mô hình hoạt động duy nhất này tại Hà Lan, để du khách thập phương đến tìm hiểu phương châm hoạt động của làng, để làng có thêm thu nhập trang trải chi phí và để mở rộng hơn các buổi sinh hoạt giao lưu cho các cụ.
Được tạo “công ăn việc làm” theo ý thích
Tại đây, ngoài việc được điều trị y khoa thường xuyên để ngăn chặn các triệu chứng thoái hóa trí nhớ, việc chỉ định thuốc an thần và thuốc ngủ sẽ được giảm dần theo thời gian các cụ vào sống tại đây. Cô Magnolia, một săn sóc viên của làng, vui vẻ cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một thực tế rõ ràng là trạng thái lo âu và bất an của các cụ giảm đi trông thấy sau khi các cụ vào sống tại đây được vài tháng. Liều thuốc hiệu quả nhất cho các cụ là tìm lại được những khoảnh khắc quá khứ của mình ngay trong hiện tại. Người già thường sống bằng hoài niệm, các cụ được tự do trong sinh hoạt hằng ngày, được làm theo ý mình, được giao tiếp thường xuyên với môi trường và cộng đồng. Từ đó, các cụ không có thái độ bất mãn hay khó chịu với chính bản thân mình, không bực dọc quát nạt các nhân viên phục vụ như thực tế thường diễn ra trong các nhà dưỡng lão truyền thống. Và cũng từ đó, tại đây các cụ vui sống và sống khỏe, sống thọ hơn…”. Nói chung là trong “làng Alzheimer” tại Hogewey, các cụ “được sống” chứ không phải “được trị bệnh”, mỗi ngày mỗi cụ đều có một việc gì đó để làm, tùy theo sở thích cá nhân, đó chính là điều quan trọng nhất đối với người cao tuổi, một yếu tố giúp người già sống khỏe và sống thọ.
Bộ phim Truman Show phiên bản Alzheimer?
Đã có những ý kiến phê phán từ đội ngũ các nhà y học về mô hình điều trị bệnh nhân Alzheimer của làng Hogewey. Họ cho rằng nơi đây đã tạo ra “không gian sống ảo” cho bệnh nhân, giống như trong bối cảnh của một bộ phim Mỹ có tên là Truman Show. Trong phim, Jim Carrey phát hiện ra rằng cuộc sống của mình thật ra chỉ là những thước phim truyền hình thực tế và rằng tất cả những gì mà anh cho là thật thì chỉ là những ảo ảnh được nhà sản xuất tạo ra để mua vui cho công chúng.
Nhiều nhà khoa học khác lập luận rằng phương pháp điều trị mang tính hòa nhập cộng đồng như thế dành cho các bệnh nhân Alzheimer sẽ giúp họ không bị túng quẫn đầu óc và ngăn chặn bệnh tiến triển nhanh chóng. Theo một phóng sự trên đài CNN năm 2013, các cư dân của “làng Alzheimer” tại Hogewey ăn uống ngon miệng hơn, ít dùng thuốc đặc trị hơn và sống thọ hơn.
Mô hình này tỏ ra nhiều hứa hẹn khi chúng ta biết rằng theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện toàn cầu có hơn 35 triệu người bị thoái hóa trí não và rằng mỗi năm có thêm gần tám triệu ca bệnh mới. Với đà này, con số bệnh nhân sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030 và thậm chí gấp ba vào năm 2050.
Theo Tường Nguyên
Pháp luật TPHCM