Nỗi lo rau củ nhập khẩu

(Dân trí) - Rau, củ có xuất xứ Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường Hà Nội. Nhiều người dân lo ngại rau củ nhập ngoại chứa dư lượng hóa chất độc hại. Cơ quan chức năng sau thời gian dài im lặng đã có một số động thái nhằm cố gắng kiểm soát tình hình.

 Chợ tràn ngập rau củ nhập từ biên giới

Trận mưa lũ lịch sử hồi đầu tháng 11 đã đi qua gần 20 ngày nhưng thiệt hại do nó gây ra vẫn còn hiện hữu trong đời sống của người dân thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận. Điều dễ nhận ra nhất chính khu vực nội thành đã bị cắt nguồn cũng ứng rau xanh do các địa bàn trồng rau đã bị ngập úng nặng nề. Phải mất hơn một tháng nữa, khả năng cung ứng rau mới được phục hồi.

Tuy nhiên, thay vì cảnh rau củ khan hiếm ngoài chợ, giờ đây người dân thành phố đã được một nguồn cung ứng khổng lồ đáp ứng nhu cầu. Đó là nguồn rau củ đánh từ biên giới Lạng Sơn đổ về.

Dạo một vòng các chợ Hà Nội và những khu vực bán buôn rau xanh, không khó để nhận ra hiện thực rau củ Trung Quốc hầu như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Cải bắp xanh biếc cuốn chặt, cà chua chín đều đỏ mọng, khoai tây củ mập mạp, củ cải trắng tinh với trọng lượng gấp nhiều lần củ cải thường nhìn thấy trước đó…

Nhiều loại gia vị như ớt, tỏi, sả, riềng... cũng đều là hàng nhập khẩu.

Chỉ có một loại rau nội chen chân được, đó là rau muống, cải cúc, rền cơm. Tuy nhiên, giá một một bó rau con con không dưới 6.000 đồng.

Chủ các cửa hàng rau cho biết, không chỉ sau đợt mưa lũ vừa rồi rau Trung Quốc mới có mặt tại Hà Nội. Từ lâu, mặt hàng này đã chiếm lĩnh thị phần không nhỏ tại chợ.

Chỉ có điều hiện nay do nguồn cầu đột biến nên giá cả đã tăng chóng mặt so với cách đây một tháng. Ví dụ giá bí đao từ 5.000 đồng/ kg giờ tăng vọt 12.000 đồng/kg, cà chua từ 4.000 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg...

Các loại rau lá xanh khác giá cũng đã tăng ít nhất gấp rưỡi mà vẫn đắt hàng. Ban quản lý chợ Long Biên cũng cho biết, số đầu mối chuyên buôn rau Trung Quốc cũng cấp cho thị trường hiện đã tăng gấp 3 - 4 lần so với một tháng trước đó.

Cho đến thời điểm này, rau củ Trung Quốc hầu như không phải qua một cửa ải kiểm tra nào ở biên giới mà cứ thế thẳng một mạch trôi đến mâm cơm của người dân.

Việc kiểm định dư lượng thuốc sâu, thuốc bảo quản thực vật và các loại hóa chất tồn dư của nguồn rau củ khổng lồ này mới chỉ được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT tiến hành ngày 19/11. Với 8 mẫu rau, củ thông dụng như su hào, cải bắp trắng, cà chua, khoai tây... lấy mẫu tại chợ Long Biên, Dịch Vọng, Đền Lừ. Sớm nhất là cuối ngày 21/11 mới có kết quả phân tích, kiểm định. Đến lúc đó mới công bố có hay không có dư lượng thuốc BVTV trong rau, củ nhập từ Trung Quốc.

Vừa ăn vừa lo!

Trong khi chờ những thông tin ít ỏi từ phía cơ quan quản lý, người dân thành phố vẫn không có lựa chọn nào khác khi phải tiêu thụ nguồn rau từ Trung Quốc chưa được kiểm định cùng với tâm trạng lo lắng không yên. Một số người cẩn thận chọn mua những loại củ ăn thay rau vì cho rằng có lẽ sẽ an toàn hơn sau khi gọt vỏ.

Về vấn đề kiểm dịch rau củ nhập khẩu, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng: trên thực tế, nếu cơ quan chức năng không có phương án dài hơi trong việc kiểm soát sự an toàn của nguồn rau -củ - quả nhập vào nước ta, nếu Cục Bảo vệ thực vật chỉ tiến hành kiểm dịch kiểu “du kích” một số mẫu rau thông dụng thu thập trong một buổi sáng thì cũng không thể khẳng định mọi nguồn rau củ hàng ngày vẫn ầm ầm đổ vào thị trường nội địa là an toàn hay không.

Trước mắt, đại diện của Cục Bảo vệ thực vật cũng chỉ biết đưa ra lời khuyên chung chung: “Người dân nên ăn các loại rau chính vụ, tránh rau trái vụ bởi loại này thường có hàm lượng thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật rất cao".

Trước câu hỏi: “Ăn củ thay cho rau có an toàn?”, TS Khải trả lời: “Thực ra, những loại củ phát triển ở dưới khu vực đất bị nhiễm độc thì chúng còn hấp thụ chất độc nhiều và sâu hơn cả rau ăn lá”.

Muốn giảm thiểu được chất độc hại có ở rau, củ, TS Khải khuyên người tiêu dùng nên rửa rau, củ nhiều lần bằng nước sạch rồi ngâm trong dung dịch nước muối phá loãng. Với tính chất hóa học đặc trưng, nước muối sẽ giúp giải phóng một lượng thuốc sâu còn bám trên bề mặt lá rau. Bên cạnh đó, tất cả các loại củ quả đều phải gọt vỏ trước đi ăn hoặc đun nấu, bởi vỏ ngoài chính là nơi tích tụ nhiều hóa chất độc hại nhất.

P. Thanh