1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Nỗ lực để bình ổn giá thuốc

(Dân trí) - Trước áp lực tăng giá của dược phẩm trong bối cảnh thị trường thế giới, trong nước có những biến động khó lường, ngành y tế đã đưa ra những giải pháp nhằm ổn định thị trường dược phẩm 6 tháng cuối năm 2008.

Giá nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn ở mức cao

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, giá nguyên liệu sản xuất các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới vẫn đứng ở mức cao như: Cephalexin monohydrate compact tăng 35%; amoxycillin trihydrat compact tăng 21,74%; ampicillin trihydrate tăng 24,44%, cefaclor tăng 20%, sulfamethoxazol tăng 24,60%, vitamin B1 tăng 48,91%, vitamin B6 tăng 35,85%, vitamin C tăng 98,76%, paracetamol tăng 75,37%... so với đầu năm 2008. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, đây là một trong những lý do mà hơn 30 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược đề nghị Cục quản lý Dược Việt Nam (Bộ Y tế) cho phép tăng giá 788 mặt hàng thuốc với mức từ 5 - 100%.

Ngoài ra, giá nhóm thuốc nhập khẩu luôn “leo thang” bởi nhiều lý do, trong đó, việc các công ty nhập khẩu thuốc phải mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại theo giá thỏa thuận, chênh lệch gần 11% so với giá Ngân hàng Nhà nước niêm yết để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu thuốc, lãi vay ngân hàng tăng trên 75% so với đầu năm 2008… đã đẩy giá thuốc nhập lên cao.

Tuy nhiên, theo ông Quang, trong 6 tháng đầu năm 2008, thị trường dược phẩm trong nước tương đối ổn định. Tuy có điều chỉnh nhưng thấp hơn diễn biến thị trường giá cả, không có sự tăng giá đột biến, bất hợp lý và tiếp tục đáp ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh…

Điều này thể hiện ở chỉ số nhóm hàng dược phẩm, y tế của 6 tháng đầu năm 2008 chỉ bằng 22,19% so với chỉ số CPI. Theo đó, kết quả này phù hợp kết quả khảo sát thị trường dược phẩm 6 tháng đầu năm 2008 tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam.

Theo khảo sát này, với mặt hàng thuốc nhập khẩu, có 2,6% số lượng mặt hàng tăng giá trong tổng số 13.927 mặt hàng khảo sát với mức tăng bình quân 9,13%. Với thuốc sản xuất tại Việt Nam, có 1,26% mặt hàng tăng giá trong tổng số 20.613 mặt hàng khảo sát với mức tăng trung bình 12,86%.

Sẽ không xảy ra hiện tượng tăng giá đồng loạt

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, hiện ngành y tế đang triển khai nhiều biện pháp để bình ổn giá thuốc.

Theo Thứ trưởng Quang , mặc dù các doanh nghiệp đều xin tăng giá với mức tăng từ 5 - 100% nhưng để bình ổn và kiềm chế giá, trước mắt, Bộ Y tế sẽ ưu tiên xem xét điều chỉnh tăng giá các thuốc chuyên khoa, đặc trị để tránh hiện tượng thiếu thuốc. Đồng thời, sẽ xem xét điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thuốc mà doanh nghiệp sau khi rà soát, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí mà giá bán ra vẫn không đủ bù đắp, không cân đối được thu chi, kinh doanh thua lỗ.

Tuy nhiên, sẽ không có hiện tượng tăng giá đồng loạt, đột biến, tránh hiện tượng "tát nước theo mưa" mà thuốc tăng giá phải có lộ trình cụ thể. Trong đợt đầu tiên, đối với 788 mặt hàng đang chờ tăng giá thuốc, mỗi DN chỉ được phân bổ 5 - 7 mặt hàng, mức tăng khống chế 5 - 10%.

Trước mắt, để ổn định thị trường dược phẩm trong những tháng cuối năm, Bộ Y tế đề nghị cho điều chỉnh giá thuốc trúng thầu năm 2008 phù hợp với mặt bằng chung giá thuốc trên thị trường. Tăng cường việc xét duyệt giấy phép nhập khẩu và nhập khẩu song song thuốc nước ngoài để hạn chế độc quyền nâng giá.

Khuyến khích thực hiện việc gia công thuốc để giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí cho người bệnh. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi và bổ sung cơ chế sử dụng quỹ dự trữ lưu thông thuốc và mở rộng loại hình doanh nghiệp tham gia, mở rộng danh mục thuốc/hoạt chất để tăng cường tính hiệu quả của chủ trương này…

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ xây dựng và trình Chính phủ Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển ngành công nghiệp Dược Việt Nam giai đoạn đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu: 

- Phát triển sản xuất nguyên liệu hóa dược để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập.

- Tăng tỷ trọng thuốc generic sản xuất trong nước có tần suất sử dụng lớn trên thị trường phải nhập ngoại.

- Tăng cường quản lý nhà thuốc trong các cơ sở y tế công lập bằng việc ban hành quy chế quản lý nhà thuốc bệnh viện để bảo đảm quản lý nguồn thuốc đầu vào có nguồn gốc rõ ràng với giá cả thấp hơn giá thị trường.

- Tăng cường quản lý giá thuốc nhập khẩu (giá CIF) phù hợp với mặt bằng chung giá thuốc của các nước trong khu vực;

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá thuốc… Đồng thời tiếp tục triển khai việc sắp xếp lại hệ thống lưu thông phân phối và cung ứng thuốc để giảm thiểu tối đa các tầng nấc phân phối trung gian…

Tú Linh