1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ninh Bình “chống dịch như chống giặc”

(Dân trí) - Trước sự lây lan nhanh, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu phi, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải quyết liệt vào cuộc để dập dịch.

Theo báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tỉnh Ninh Bình, đến ngày 8/5 dịch bệnh đã xảy ra tại 31 xã của 7 huyện, thành phố trên địa bàn (7/8 huyện, thành phố có dịch); tổng số lợn đã tiêu hủy lên đến trên 1.500 con.

 Trước chiều hướng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 7/5, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị “triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi”; trực tiếp ông Đinh Văn Điến – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh chủ trì.

Ninh Bình “chống dịch như chống giặc” - 1

Hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Ninh Bình.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Công điện số 01/CĐ -UBND, kế hoạch số 26/KH-UBND về việc triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách, ứng phó khẩn cấp, phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Tỉnh Ninh Bình đã thành lập 3 chốt kiểm dịch liên ngành cấp tỉnh, khoảng 100 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp huyện, xã được thành lập để ngăn chặn dịch lây lan. Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Ninh Bình, ngành chức năng đã tổ chức lấy hơn 200 mẫu, bệnh phẩm của lợn ốm, chết gửi đi xét nghiệm để phát hiện sớm, xử lý kịp thời. UBND tỉnh đã cấp 30.000 lít hóa chất cho các huyện, xã thực hiện khử trùng cũng như phục vụ công tác tiêu hủy lợn bệnh tại các ổ dịch trên địa bàn tỉnh.

Ninh Bình “chống dịch như chống giặc” - 2

Cơ quan chức năng tại Ninh Bình tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố tại Ninh Bình đã báo cáo về tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương mình, cũng như chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất các vấn đề liên qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ông Đinh Văn Điến chỉ đạo, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “yêu cầu trong thời gian tới cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải quyết liệt vào cuộc”; thực hiện tốt 5 không: “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn”.

Triển khai 4 tại chỗ: “Chỉ đạo tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật lực, phương tiện tại chỗ trong phòng chống dịch”. Phải nêu cao trách nhiệm của từng người dân, từng gia đình và cả xã hội trong việc phòng chống dịch, không riêng gì người chăn nuôi lợn.

Ninh Bình “chống dịch như chống giặc” - 3

Chốt kiểm dịch động vật liên ngành do tỉnh Ninh Bình thành lập sẽ tạm dừng hoạt động để tập trung lực lượng về các địa phương hỗ trợ chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các huyện, thành phố rà soát lại số lượng đàn lợn đang nuôi trên địa bàn để quản lý, giám sát chặt chẽ. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng bạt để ngăn vật trung gian mang mầm bệnh vào khu vực trang trại. Tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh khử trùng môi trường bằng vôi và hóa chất tại các trang trại, đường làng ngõ xóm, điểm giết mổ tập trung…

Các địa phương cần lên phương án xử lý về vị trí tiêu hủy, quy mô, diện tích, phương tiện vận chuyển, hóa chất khi dịch xảy ra ở các trại lợn có quy mô đàn trên 500 con. Về 3 chốt kiểm dịch cấp tỉnh sẽ tạm dừng hoạt động để tập trung lực lượng về các địa phương hỗ trợ chống dịch.

Các ngành chuyên môn và các địa phương cần tổng hợp nhanh, chính xác về số lượng lợn chết và tiêu hủy để làm căn cứ tính toán hỗ trợ. Trong quá trình tiêu hủy phải đảm bảo công khai minh bạch, có sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Công an và nhân dân, không để xảy ra trục lợi chính sách.

Ninh Bình “chống dịch như chống giặc” - 4

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu, khi tiêu hủy lợn của dân phải công khai minh bạch, có sự giám sát của MTTQ và Công an cùng các đoàn thể.

Ông Đinh Văn Điến yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở NNN &PTNT tham mưu trình UBND tỉnh quyết định trên nguyên tắc vừa hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục sản xuất vừa tránh tâm lý trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước…

Tính đến ngày 5/5, cả nước đã có trên 20 tỉnh, thành phố có lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi với tổng số khoảng 500 xã/100 huyện; số lợn bị chết và tiêu hủy bắt buộc là khoảng trên 500.000 con.

Thái Bá