1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Niềm tin có thể chữa lành bệnh?

Việc chữa bệnh bằng yếu tố tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế cho các phương thức trị liệu của nền y học chính thống.

Hiện nay, nhan nhản trên mạng hoặc ở trang web của một số hiệp hội có những thông tin kiểu như: “Ông X bị ung thư, bác sĩ “chê” cho về, ông ta uống dược thảo Y nên đã khỏi bệnh hoàn toàn”. “Dược thảo Y” trong thông tin trên khi thì được thay bằng “thực phẩm chức năng thần kỳ A”, khi lại là “liệu pháp tuyệt vời B”… Vậy ứng xử như thế nào với những thông tin như vậy?

Hiệu ứng placebo

Trong quyển sách “Nơi không có bác sĩ” (“Where there is no doctor”, ở nước ta dịch và xuất bản với tựa đề: “Chăm sóc sức khỏe”), bác sĩ David Werner, tác giả cuốn sách, đã kể lại một trường hợp: “Có lần, tôi thấy bệnh nhân nhức đầu dữ dội. Một phụ nữ đưa anh ta miếng khoai mài bảo rằng đây là thuốc giảm đau rất mạnh. Anh ta tin lời đã ăn nó và kết quả là khỏi đau nhanh chóng”.

“Tin để khỏi bệnh” là việc có thể có nhưng không phải là tất cả  Ảnh: TẤN THẠNH
“Tin để khỏi bệnh” là việc có thể có nhưng không phải là tất cả Ảnh: TẤN THẠNH

Trong một số nghiên cứu đúng bài bản khoa học, người ta đã chứng minh chỉ cần dùng “thuốc vờ” (hay “giả dược”) có thể giúp người ta giảm đau không khác gì dùng thuốc giảm đau paracetmol với tỉ lệ xấp xỉ 50% (tức một nửa số người dùng “thuốc vờ” hết đau thật sự).

Ở đây, yếu tố tâm lý của người bệnh đã được tác động để phát huy tác dụng tích cực của nó. Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc nhưng nếu người đó có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật, dùng chất đó và khỏi bệnh thì hiện tượng đó được gọi là “hiệu ứng placebo”. Trong chừng mực nào đó, có thể ghi nhận hiệu ứng placebo để giải thích những vụ việc liên quan đến việc chữa bệnh “kỳ lạ” mà nhiều người cho rằng khoa học khó có thể giải thích được.

“Placebo” có nguyên nghĩa là “tôi làm vui lòng”, ý nói bác sĩ sẽ tác động đến tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng để mau hết bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, thầy thuốc thường khai thác tối đa yếu tố tâm lý để giúp quá trình bệnh diễn tiến tốt. Bác sĩ có mối quan hệ tốt với bệnh nhân, cung cách khám chữa bệnh đúng mực, nói năng nhẹ nhàng, thân tình giải thích rõ ràng cặn kẽ, sẽ giúp bệnh nhân ổn định về mặt tâm lý và giúp việc điều trị bằng thuốc hoặc bằng phương thức trị liệu nào đó nhanh và tốt hơn.

Không hiếm trường hợp đã xảy ra chỉ vì một lời nói của bác sĩ mà bệnh tình của bệnh nhân trở nặng hơn. Người ta ghi nhận các rối loạn liên quan đến triệu chứng cơ năng (như bệnh suy nhược thần kinh) rất dễ chữa khỏi bằng các biện pháp tác động đến yếu tố tâm lý hoặc có một số phương thức điều trị không dùng thuốc mà dựa hẳn vào yếu tố tâm lý như thôi miên, tự kỷ ám thị, thiền định... để ổn định tâm lý và từ đó, người bệnh khỏe hẳn. Trong quá trình điều trị bệnh, bác sĩ có thể cho một thứ thuốc là chất không có tác dụng chữa bệnh thật sự (như vitamin) được gọi là placebo, người bệnh dùng nó, tin là thuốc chữa bệnh thật và có thể khỏi bệnh.

Đừng quá tin!

Tuy nhiên, ta cần xem việc chữa bệnh bằng yếu tố tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế cho tất cả phương thức trị liệu của nền y học chính thống. Theo y học chính thống, thuốc phải là những chất có tác dụng thật sự dùng để điều trị, phòng và chẩn đoán bệnh. “Có tác dụng” nghĩa là thuốc có tác dụng vật chất, hấp thu vào trong cơ thể, sau đó được chuyển hóa bài tiết để đạt hiệu quả chữa bệnh, phòng bệnh, chẩn đoán chứ không phải chỉ dựa vào niềm tin nào đó - tức yếu tố tâm lý - mà khỏi bệnh.

Theo y học chính thống, trong quá trình nghiên cứu để tìm ra, công nhận và đi đến sản xuất một thuốc mới, người ta phải loại bỏ hoàn toàn yếu tố tâm lý trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc. Để loại trừ yếu tố tâm lý, người ta thường sử dụng phương pháp “mù đôi” (double blind study).

Trong phương pháp “mù đôi”, những người bệnh tham gia nghiên cứu được chia làm 2 nhóm ngẫu nhiên và giống nhau ở một số đặc điểm (như tuổi tác, giới tính...). Một nhóm được điều trị bằng thuốc cần thử nghiệm trong nghiên cứu; nhóm thứ hai được điều trị bằng placebo có hình dạng kích cỡ, màu sắc, mùi vị giống như thuốc thật. Thuốc mới thử nghiệm chỉ được đánh giá là có tác dụng thật sự khi nhóm một có tỉ lệ tính theo thống kê là khỏi bệnh, trong khi nhóm hai (nhóm placebo) có tỉ lệ được xem là không khỏi bệnh. Tỉ lệ khỏi bệnh ở nhóm một không nhất thiết 100%, chỉ cần 60%-70% nhưng quan trọng là hơn hẳn nhóm placebo. Gọi là “mù đôi” vì cả người bệnh lẫn bác sĩ chỉ định thuốc không biết thuốc nào là thuốc thật, thuốc nào là placebo.

Khi tìm hiểu để sử dụng một thuốc, bác sĩ chỉ tin cậy thông tin theo “y học thực chứng” (evidence-based medicine, viết tắt EBM), nghĩa là các bác sĩ chỉ tin dùng các thuốc đã chứng minh tác dụng hiệu quả thực sự khi đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng đúng quy cách khoa học và được thông tin từ các y văn đáng tin cậy chứ không tin theo những lời đồn đại, kể cả thông tin không đáng tin cậy đầy rẫy trên mạng.

Như vậy, đối với người bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư, “tin để khỏi bệnh” là việc có khi cần nhưng không phải là tất cả. Người bệnh cần tỉnh táo, đừng quá tin vào một thuốc hay một phương thức điều trị nào đó chưa được chứng thực về mặt khoa học mà chối bỏ phương pháp điều trị theo y học chính thống. Nhiều bệnh được điều trị theo kinh điển vẫn hiệu quả miễn không có sự chậm trễ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

Người lao động