Những trẻ nào chống chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer?
(Dân trí) - Ngày 29/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em".
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Bệnh viện Nhi Trung ương các trường hợp chống chỉ định tiêm ở trẻ cũng tương tự như ở người lớn. Cụ thể, sẽ không tiêm cho có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng Covid-19; các trường hợp chống chỉ định theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine (6 thành phần có trong vaccine của Pfizer).
Các trường hợp trì hoãn tiêm là trẻ đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển. Trong đó, lưu ý nếu trẻ sốt nhẹ và không có dấu hiệu nguy hiểm thì vẫn tiêm được. Đặc biệt, khi khám sàng lọc cho trẻ không loại trừ trẻ có thai dưới 13 tuần là đối tượng trì hoãn.
Các trường hợp thận trọng khi tiêm là những trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. BS Ngãi cũng nhắc các đơn vị lưu ý đến vấn tâm lý ở trẻ, có thể xảy ra hội chứng đám đông, hội chứng áo choàng trắng… khi tiêm tập thể cho trẻ. Những trường hợp này không chống chỉ định mà thận trọng khi tiêm.
Theo BS Ngãi một điểm khác trong hướng dẫn này so với hướng dẫn trước đó là khám sàng lọc và tiêm tại bệnh viện cho những trẻ mắc bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính, phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào. Hay những trẻ khi khám mà nghe tim, phổi bất thường thì cũng tư vấn trẻ đến tiêm tại bệnh viện. Khi bác sĩ đánh giá trẻ không cần cấp cứu, can thiệp điều trị ngay thì vẫn tiêm cho trẻ. Việc này nhằm mở rộng cơ hội để trẻ được tiếp cận với vaccine phòng Covid-19.
Có 8 nội dung khám sàng lọc gồm: khai thác tiền sử; đánh giá bệnh cấp tính, mãn tính; tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn hành vi, rối loạn tri giác; có các bệnh bẩm sinh hay mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu không; nghe tim, phổi; khai thác tiền sử về phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; các chống chỉ định và trì hoãn.
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ sau khi khám nếu trẻ đủ điều kiện tiêm chủng ngay khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Các phản ứng sau tiêm vaccine Pfizer có thể xảy ra gồm:
- Phản ứng rất phổ biến (trên 10%) như đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm.
- Phản ứng phổ biến (từ 1/100 đến dưới 1/10): buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm.
- Phản ứng không phổ biến (≥ 1/1.000 đến <1/100): nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm.
- Hiếm (≥ 1/10.000 đến < 1/1.000): liệt mặt ngoại biên cấp tính.
- Phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine là rất hiếm gặp.
- Tai biến nặng sau tiêm như viêm cơ tim… rất hiếm gặp.