Những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên và không nên ăn

(Dân trí) - Bệnh nhân ung thư nên ăn cá 3-4 lần/tuần, ăn các loại rau như giá đỗ, cà rốt, cà chua, rau ngót…, lựa chọn dầu thực vật hoặc mỡ cá.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng hơn. 

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Tình trạng phổ biến trên đa số bệnh nhân ung thư hiện nay chính là suy kiệt cơ thể. Đây có thể là phản ứng phụ của quá trình điều trị hoặc do tâm lý chán nản, lo lắng của người bệnh nhưng phần nhiều là do chính khối u gây ra. Khối u làm thay đổi chuyển hóa  bình thường của cơ thể, làm cơ thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn, các tế bào, mô của cơ thể bị phá hủy, bao gồm cả các khối cơ. 

Những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên và không nên ăn - 1

Theo thạc sĩ-bác sĩ Bùi Quang Biểu, khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Đồng thời, nó cũng làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong của bệnh nhân ung thư.

Con số 30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể trước khi chết vì khối ung thư đã phần nào cho thấy tác động xấu của tình trạng sụt cân, suy kiệt. Dinh dưỡng lúc này có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề. Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị đều nhằm đến mục tiêu là tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn đúng trước, trong và sau khi điều trị có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được những bất lợi do các tác dụng phụ của phương pháp điều trị và giúp bệnh nhân có cảm giác sống khoẻ hơn.

Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao.... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư chứ không phải là “cung cấp thêm chất đạm cho khối u: như nhiều người vẫn lầm tưởng. 

Dưới đây là một số hướng dẫn của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội:

Nguyên tắc dinh dưỡng:

- Ăn đủ năng lượng để duy trì cân nặng nên có

- Đủ chất đạm, bao gồm cả đạm động vật và đạm thực vật

- Đủ chất béo

- Sử dụng các loại ngũ cốc còn nguyên cám

- Đủ rau xanh (400-500g/ngày) và trái cây (200-400g/ngày)

- Uống đủ nước (tổng dịch đưa vào cơ thể khoảng 40ml/kg/ngày)

- Hạn chế muối vừa phải (5-6g/ng) 

Thực phẩm nên dùng:

- Các loại thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua… (đặc biệt là cá: ăn ít nhất 3-4 lần/tuần)

- Gạo, miến, bún, bánh phở, các loại củ…

- Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng…) hoặc các loại cá mỡ

- Đủ rau xanh, trái cây

- Tăng cường thực phẩm giàu omega-3: cá hồi, dầu oliu…

- Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin A, C,E, selen giúp chống oxy hóa: cà rốt, giá đỗ, cà chua, rau ngót, rau muống…

Thực phẩm nên hạn chế dùng:

- Thực phẩm qua chế biến công nghiệp (đồ hộp, thịt nguội, mì ăn liền…)

- Thực phẩm chiên rán trong thời gian dài (gà rán, khoai tây chiên…)

- Phủ tạng động vật: tim, gan, bầu dục… 

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm