Những thay đổi của làn da khi bầu bí
(Dân trí) - Trong thời gian thai nghén, bạn sẽ thấy rất nhiều thay đổi trên da của mình. Mặc dù các triệu chứng trên không phải lúc nào cũng xảy ra giống nhau với mọi phụ nữ mang thai, song dưới đây là những thay đổi về da nói chung mà các bà bầu hay gặp phải.
Rạn da
Rạn da là một trong những dấu hiệu về sự thay đổi của da mà hầu hết các phụ nữ mang thai thường gặp. Khoảng 90% phụ nữ trong thời kỳ thai nghén đều thấy dấu hiệu này. Rạn da có biểu hiện giống như những đường chỉ màu hồng hoặc đỏ chạy xuống bụng hoặc ngực của bạn.
Luyện tập và bôi kem dưỡng chứa vitamin E và alpha hydroxy acids (AHAs) là cách tốt nhất để ngăn ngừa dấu hiệu trên. Nếu các dấu hiệu trên vẫn còn, bạn vẫn có thể yên tâm vì những vết rạn này sẽ mờ dần sau khi bạn sinh hạ.
Rám má, sạm da
Rám má là hiện tượng khi trên mặt bạn xuất hiện nhiều nốt màu tối, chủ yếu là ở trán và má. Đó là kết quả của quá trình tăng các sắc tố trong cơ thể do sự thay đổi hormon tạo ra. Khoảng 50% phụ nữ thấy xuất hiện dấu hiệu này.
Để ngăn ngừa dấu hiệu trên, tốt nhất bạn nên dùng kem chống nắng, ví dụ như loại SPF 15 bất kể khi nào bạn định ra ngoài. Bạn cũng nên dùng mũ để tránh ánh nắng mặt trời. Bởi lúc này da bạn rất nhạy cảm, và ánh nắng mặt trời sẽ làm tăng khả năng xuất hiện những vết rám trên mặt bạn.
Quầng sáng
Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ tạo ra lượng máu hơn 50% lúc bình thường dẫn đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể nhiều hơn. Lượng máu tăng thêm sẽ khiến khuôn mặt bạn trở nên sáng hơn. Đồng thời cơ thể bạn cũng sản sinh ra nhiều hormon hơn.
Lượng hormon sẽ khiến tuyến dầu làm việc nhiều hơn và tạo ra những quầng sáng trên khuôn mặt bạn.
Nếu da bạn trở nên quá nhiều dầu, bạn có thể dùng giấy thấm dầu để làm sạch mặt.
Mụn nhọn và trứng cá
Nếu bạn hay có trứng cá hoặc mụn nhọn thì chúng càng phát triển trong thời kỳ bạn mang thai. Đấy là do lượng hormon thừa trong cơ thể bạn làm cho tuyến dầu tạo ra nhiều dầu hơn, dẫn đến sự phát triển mụn nhọn hoặc trứng cá.
Bạn cần phải giữ mặt sạch sẽ. Đầu tiên, bạn có thể rửa bằng xà phòng rửa mặt. Bạn nên dùng những loại xà bông không mùi để tránh gây cảm giác buồn nôn. Hãy làm sạch mặt vào mỗi buổi sáng và tối. Song không nên rửa mặt quá nhiều bởi nó sẽ khiến da bạn bị khô. Sau đó, bạn nên dùng kem làm khít lỗ chân lông để loại bỏ dầu.
Không nên dùng các loại kem rửa mặt ngăn ngừa mụn bởi chúng có thể chứa các loại thuốc chống mụn không tốt cho bạn trong thời kỳ mang thai. Cuối cùng, bạn nên dùng chất làm ẩm da để tránh mụn nhọn và trứng cá.
Giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch chi dưới là hiện tượng tĩnh mạch to, màu xanh xuất hiện ở chân trong suốt thời kỳ mang thai. Điều đó là do cơ thể bạn phải tăng cường lượng máu thêm cho em bé. Giãn tĩnh mạch thường gây cảm giác khó chịu, đau đớn.
Nếu gia đình bạn có tiền sử dấu hiệu này, bạn chắc chắn cũng bị như vậy. Tuy nhiên bạn cũng có thể áp dụng những biện pháp dưới đây để ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng trên.
Để tránh tình trạng trên bạn nên:
- Tránh đứng quá lâu
- Nên đi bộ thường xuyên để giúp máu tuần hoàn về tim
- Nên chống chân lên ghế khi ngồi
- Tránh ngồi quá lâu
- Nên đi tất
- Nên có đủ vitamin C trong cơ thể (điều này giúp tĩnh mạch khoẻ và co giãn)
- Hãy ngồi ở tư thế để chân cao hơn đầu ít nhất nửa giờ mỗi ngày
- Tránh trọng lượng thừa quá mức
Tĩnh mạch hình nhện
Tĩnh mạch hình nhện là dấu hiệu những mạch máu đỏ phân nhánh lộ rõ ra bên ngoài trong thời gian ngắn. Hiện tượng này gây nên bởi sự tuần hoàn máu tăng trong cơ thể khi mang thai. Chúng thường xuất hiện ở mặt, cổ, trên ngực và tay. Những tĩnh mạch này không gây đau đớn và thường biến mất trong thời gian ngắn sau khi sinh.
Tăng cường C và tránh vắt chéo chân sẽ giúp giảm thiểu lượng tĩnh mạch hình nhện này. Hiện tượng này cũng có tính gia truyền. Trong trường hợp đó sẽ không có cách nào ngăn ngừa chúng. Song may mắn là chúng thường mờ dần sau khi sinh. Bạn có thể sử dụng biện pháp laser để xử lý những tĩnh mạch hình nhện không mờ.
Vùng da bụng khô và ngứa
Khi bụng bạn to ra, vùng da ở bụng sẽ trở nên căng hơn. Điều đó dẫn tới việc da bị khô và ngứa. Nếu bạn bắt đầu thấy ngứa nhiều trong thời gian mang thai, có thể thêm các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác thèm ăn, mệt mỏi và thậm chí là vàng da, bạn nên đi khám. Rất có thể bạn đã mắc Cholestasis (tình trạng của giảm sản xuất mật hoặc giảm lưu thông mật).
Cứ 1 trong 50 phụ nữ mang thai mắc phải Cholestasis.
Nếu ngứa ngày càng tăng và lan dần sang cả chân và tay của bạn, bạn có thể mắc phải PUPP (tình trạng này thường được gọi là mảng và sẩn mề đay gây ngứa khi mang thai). Cứ 1 trong 150 phụ nữ mang thai mắc phải chứng bệnh này. PUPP sẽ khiến da khô, đỏ, mẩn ngứa và sẽ hết sau khi bạn sinh con.
Bạn có thể làm gì? Để tránh tình trạng trên bạn nên giữ ẩm cho bụng của mình. Bạn cũng có thể dùng kem chống ngứa như loại Calamine lotion. Bệnh Cholestasis cũng có thể điều trị y học. PUPP sẽ bị loại bỏ nếu dùng kem chống ngứa. Cố gắng tắm bằng sữa bột yến mạch để làm giảm các triệu chứng trên
Đường sẫm màu từ trung tâm bụng phát triển xuống phía dưới
Trên cơ thể bạn có thể đã có đường nối từ trung tâm bụng xuống phía dưới xong bạn không để ý tới chúng bởi màu của chúng rất nhạt. Trong thời kỳ mang thai, màu của đường này sẫm dần lên do sự mất cân bằng hormon. Dấu hiệu này thường xuất hiện vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 trong thời kỳ thai nghén.
Bạn chẳng thể làm gì để ngăn ngừa dấu hiệu này. Đường này sẽ mất đi sau khi bạn sinh.
Tàn nhang, nốt ruồi và một số vùng khác của da bị tối lại.
Lượng hormon tăng sẽ làm thay đổi trong các sắc tố da của bạn. Bạn sẽ thấy có một vài điểm trên da mình trở nên tối hơn như tàn nhang, nốt ruồi, núm vú....
Bạn chẳng phải làm gì với những dấu hiệu trên. Nhưng nếu nốt ruồi hoặc tàn nhang của bạn thay đổi về hình dáng, bạn nên gặp các nhà chăm sóc sức khoẻ. Những vùng tối này sẽ còn duy trì sau khi sinh.
Thịnh Vượng
Theo Thehelpline