Những thách thức lớn với 2 loại vắc xin Covid-19 đang dẫn đầu cuộc đua
(Dân trí) - Các hãng dược của Mỹ đã lần lượt công bố 2 loại vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ hoàn toàn mới, với hiệu quả bảo vệ đều vượt mốc 90%. Liệu đây có phải là "lời giải" cho đại dịch toàn cầu này?
Tuần trước, hãng dược Pfizer (Mỹ) đã công bố dữ liệu ban đầu về vắc xin Covid-19 mà công ty phát triển cùng với đối tác Đức là BioNTech, cho thấy nó đạt hiệu quả hơn 90%.
Ngày 16/11, Công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cũng tuyên bố đã thử nghiệm vắc xin Covid-19 đạt hiệu quả tới 94,5% dựa trên dữ liệu tạm thời từ thử nghiệm giai đoạn cuối.
Loại vắc xin đột phá về công nghệ
Đáng chú ý, cả 2 loại vắc xin Covid-19 tiềm năng này đều sử dụng một công nghệ sản xuất vắc xin hoàn toàn mới đó là công nghệ mARN.
“Đây là lần đầu tiên, ARN được sử dụng trong sản xuất vắc xin cho con người. Bước đột phá này cũng đã mở ra tương lai mới của lĩnh vực sản xuất vắc xin”, đó là nhận định của TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế.
Phân tích rõ hơn về công nghệ mới này, theo TS Đạt, vắc xin Covid-19 của Pfizer và Moderna sẽ bắt chước cách virus xâm nhập vào cơ thể con người và tạo ra miễn dịch.
Trong tự nhiên, virus sẽ có 1 chiếc vỏ để mang vật chất di truyền (ADN hoặc ARN) xâm nhập vào cơ thể con người. Các nhà sản xuất vắc xin đã tự tạo ra ARN như của virus sau đó nhờ một giá thể khác, ví dụ như vỏ nano lipit, để mang ARN đấy vào trong tế bào của con người. Từ đó, kích thích hệ miễn dịch sinh kháng thể đặc hiệu.
“Đối với các công nghệ sản xuất vắc xin cổ điển thường sẽ phải nhờ vào virus đã bất hoạt hay giảm độc lực mang kháng nguyên vào cơ thể. Trong khi đó, với công nghệ mARN, họ đã mang được cái cần thiết nhất vào bên trong cơ thể là mARN”, TS Đạt nói.
Bên cạnh việc tiên phong sử dụng một công nghệ hoàn toàn mới, theo TS Đạt, 2 loại vắc xin này còn gây kinh ngạc bởi hiệu quả bảo vệ ở mức rất cao.
Cụ thể, đối với dịch Covid-19, hiệu quả bảo vệ chỉ cần đạt 50% là đã có thể sử dụng. Hiệu quả bảo vệ như vậy tương đương với vắc xin cúm mùa (40-60%) và đã đủ để có thể khống chế dịch ở nhóm có nguy cơ cao trong cộng đồng.
Do đó, kết quả thử nghiệm của cả 2 loại vắc xin này đều cho thấy hiệu quả bảo vệ trên 90% là cực kì cao và rất đáng kì vọng.
Những “chướng ngại vật” đối với loại vắc xin tiên phong
Dù vắc xin Pfizer và Moderna đã cho thấy những tín hiệu rất khả quan. Tuy nhiên, theo TS Đạt, 2 ứng viên này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thử thách, để có thể trở thành “lời giải” thực sự cho đại dịch Covid-19.
Trước hết, vì mARN trong vắc xin được đưa vào cơ thể thông qua đường tiêm, khác với trong tự nhiên virus xâm nhập qua đường hô hấp, nên có thể dẫn đến những kích ứng nhất định.
“Thực tế cũng cho thấy rằng, với những vắc xin dạng tiêm của 2 hãng này, các phản ứng không mong muốn đôi khi xuất hiện nhiều hơn các loại vắc xin khác”, TS Đạt nói.
Khó khăn thứ hai đến từ vấn đề kiểm soát liều. Cần biết rằng, mỗi người lại có 1 liều lượng lây nhiễm khác nhau để có thể tạo ra đáp ứng miễn dịch.
“Một liều lượng đối với người này có thể là nhiều nhưng người kia lại là ít. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định liều tối ưu”, TS Đạt chia sẻ.
Vấn đề tiếp theo, theo chuyên gia này, là thời gian tồn lưu của miễn dịch do vắc xin tạo ra. Thực tế trong lây nhiễm tự nhiên của Covid-19 cũng cho thấy rằng, có nhiều trường hợp tái nhiễm hay tình trạng lượng kháng thể miễn dịch giảm xuống chỉ trong một thời gian ngắn.
TS Đạt nhấn mạnh: “Với công nghệ mới này, thời gian tồn lưu miễn dịch vẫn là một câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Từ trước đến nay, thời gian tồn lưu miễn dịch của các loại vắc xin phải kéo dài trên 6 tháng mới được cho là đạt”.
Khó khăn trong bảo quản cũng là một thử thách lớn, mà vắc xin được sản xuất theo công nghệ mARN phải đối mặt. TS Đạt phân tích, mARN rất nhạy cảm nên dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhiệt độ bên ngoài.
Vắc xin của Pfizer hiện đang phải bảo quản ở nhiệt độ khoảng -70 độ C. Đối với việc triển khai tiêm chủng thì điều kiện bảo quản này là cực kì khó, vì hệ thống thông thường của chúng ta chỉ ở mức 2-8 độ C.