Những tác hại cực xấu khi bạn ngồi quá nhiều

(Dân trí) - Nhiều nước phải đóng cửa, chính phủ yêu cầu người dân ở trong nhà hạn chế lây nhiễm virus corona. Trong khi đó, nếu ngồi quá nhiều gây tác hại cực xấu, bạn sẽ phải làm gì để vận động tốt cho sức khoẻ?

Phần lớn các cơ quan đang tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà, nhờ đó tạo thuận lợi cho sự linh hoạt nhất định về thời gian, và cùng với đó là một số tác động tiêu cực.

Không giống như những buổi sáng trước kia khi bạn thức dậy, đi tắm, mặc quần áo và rời khỏi nhà để đến văn phòng, giờ đây thói quen của bạn kết thúc bằng việc ăn sáng và đến luôn bàn làm việc được đặt tại nhà.

Những tác hại cực xấu khi bạn ngồi quá nhiều - 1

Bạn không có thêm những hoạt động thể chất như lên cầu thang hoặc đi bộ một đoạn mới đến nơi, dẫn đến cơ thể bị trì trệ suốt cả ngày và thậm chí cả tuần. Bạn rất có thể dễ dàng biến thành một cục bột. Dưới đây là những tác động có hại của việc ngồi nhiều đối với cơ thể.

Ngồi quá nhiều không hề tốt

Bệnh ngồi nhiều, còn được gọi là lối sống ít vận động, là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những người thường phải ngồi hoặc không hoạt động thể lực quá lâu. Tất cả chúng ta đều thích dành nhiều thời gian ngồi trước tivi hoặc máy tính; ở nhà hoặc nơi làm việc. Thời gian chúng ta dành cho việc ngồi càng dài thì càng có hại cho sức khỏe. Nguy cơ sức khỏe của việc ngồi nhiều còn tăng gấp đôi khi cơ thể ít tập thể dục, và hậu quả là đáng báo động. Các tế bào tiền tế bào mỡ sẽ biến thành tế bào mỡ nhanh hơn và tạo ra nhiều chất béo hơn khi bạn nằm hoặc ngồi.

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Hội Ung thư Mỹ, nếu bạn ngồi từ 6 giờ một ngày trở lên, nguy cơ tử vong sớm tăng 19%, so với những người ngồi ít hơn 3 giờ.

Một phân tích nghiên cứu khác thấy mối liên hệ giữa ngồi và nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh mạch vành cao hơn. Nghiên cứu cho biết, một người càng ngồi nhiều thì tỷ lệ tử vong của người ấy trong 12 năm do các vấn đề về tim càng tăng.

1. Làm chậm quá trình đốt cháy calo: Trong khi ngồi, tốc độ đốt cháy calo giảm 1 calo mỗi phút, có nghĩa là nếu ngồi một giờ, bạn sẽ đốt cháy ít hơn 60 calo so với đứng. Khi đứng, bạn có thể đốt cháy thêm 300 calo mỗi ngày. Đốt cháy ít calo hơn khiến bạn dễ tăng cân.

2. Tăng cân: Bạn tăng cân nhanh hơn, vì các tế bào trở nên mỡ hơn. Cơ thể tăng cholesterol LDL (cholesterol xấu), kháng insulin và triglyceride huyết tương, nghĩa là cơ thể bắt đầu sản sinh nhiều insulin hơn vì cơ thể không còn chấp nhận insulin, gây căng thẳng cho tuyến tụy và gan.

3. Khiến xương yếu hơn: Xương có thể yếu hơn và mất hàm lượng chất khoáng do ngồi. Bất cứ điều gì khiến bạn đi trên đôi chân và di chuyển đều có lợi cho xương. Nếu không vận động đầy đủ, khả năng giòn xương càng cao.

4. Làm suy yếu hệ thống miễn dịch: Việc ngồi nhiều sẽ khiến hệ miễn dịch không hoạt động tốt. Nếu không tập thể dục đủ, hệ miễn dịch có thể yếu đi và ngừng hoạt động bình thường. Tập thể dục giúp tăng cường hệ thống miễn dịch nhờ củng cố các tế bào trong cơ thể, ngăn chặn vi khuẩn và virus tấn công cơ thể.

5. Rối loạn lưu thông máu: Khi ngồi trong nhiều giờ mà không di chuyển, cơ thể không có khả năng đưa máu đến chân một cách hiệu quả, dẫn đến tắc nghẽn trong động mạch. Bạn có thể cảm thấy tê hoặc chuột rút đau ở chân, điều này cũng có thể dẫn đến cục máu đông.

6. Gây đau lưng: Nguy cơ sức khỏe của việc ngồi trong nhiều giờ có thể là nguyên nhân chính gây đau lưng. Ngồi lâu thậm chí có thể làm thay đổi độ vững chắc của cột sống thắt lưng và làm tăng nguy cơ chấn thương vùng thắt lưng.

7. Gây cứng cột sống: Khi cột sống không chuyển động, nó có thể trở nên dễ bị tổn thương. Hãy nhớ khi chúng ta vận động, các đĩa đệm giữa các đốt sống giãn ra và co vào để hấp thu máu và chất dinh dưỡng. Khi ngồi trong nhiều giờ, các đĩa đệm này sẽ bị ép không đều.

8. Gây đau chân: Ngồi nhiều sẽ làm chậm quá trình lưu thông máu. Đây có thể là lý do khiến chất lỏng ứ lại ở chân. Và một số vấn đề sức khỏe bao gồm từ sưng mắt cá chân đến giãn tĩnh mạch.

9. Có thể gây mất trí nhớ: việc thiếu vận động có thể tác động mạnh mẽ đến trí nhớ và độ tập trung. Những người phải ngồi hoặc nằm trong thời gian dài hơn đã được báo cáo là ngày càng mất phương hướng và thiếu tập trung. Mọi người có thể quên các hướng dẫn và sự kiện và thường chần chừ khi phải ra quyết định.

10. Có thể gây bệnh tim: Người ít vận động có nguy cơ đau tim và đột quỵ khi dành hàng giờ để xem tivi. Mọi người có nguy cơ tử vong vì bệnh tim và động mạch cao hơn 80%. Ngồi tại bàn làm việc hoặc trước máy tính cũng gây nguy cơ tương tự, dẫn đến ảnh hưởng không lành mạnh đến lượng đường và mỡ trong máu.

Cách chống lại bệnh ngồi nhiều

Vì việc ngồi trong nhà là không thể tránh khỏi trong thời gian này. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện những điều sau trong thời gian cách ly để tránh những nguy cơ đã nói ở trên.

Vươn vai, xoay và gấp người: Mỗi ngày đặt mục tiêu vươn vai, xoay và gấp ngời trong 10 phút. Bắt cơ thể vận động thường xuyên hơn sẽ giúp kéo giãn toàn bộ người và ngăn ngừa chuột rút. Thực hiện những động tác này năm hoặc sáu lần một ngày sẽ giúp chống lại bệnh ngồi nhiều.

Bài tập đứng: Đứng trong vài phút sẽ giúp thư giãn cơ bắp và đốt cháy nhiều calo hơn so với ngồi. Bạn có thể đứng và vươn tay và các ngón tay trong giờ giải lao. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đau lưng mãn tính và các bệnh chuyển hóa khác.

Bài tập săn chắc vai: Có thể thực hiện bài tập săn chắc vai nhanh chóng tại bàn làm việc. Ngồi thẳng lưng với lưng dựa vào ghế và bàn chân đặt trên sàn. Giơ hai tay lên đầu với lòng bàn tay mở và và khuỷu tay hướng ra hai bên. Hít vào và vươn lên và giữ trong 30 giây, từ từ hạ tay xuống và thở bình thường. Bài tập này sẽ giúp cơ vai săn chắc.

Tập thể dục vào giờ ăn trưa: Sau bữa trưa, bạn có thể đi bộ lên xuống cầu thang hoặc đi dạo trong vườn, nếu có thể đi ra ngoài.

Đi lại và nói chuyện: Trong khi trao đổi với đồng nghiệp qua điện thoại, hãy đi lại quanh phòng.

Cuối cùng, ngồi không phải là xấu. Nhưng ngồi trong nhiều giờ có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh gan, rối loạn thần kinh và rối loạn cơ xương. Các tình trạng sức khỏe khác như béo phì, tăng huyết áp, tăng đường huyết, cholesterol cao cũng có thể xảy ra. Vì khi bạn ngồi, cơ thể sử dụng ít năng lượng hơn so với khi đứng hoặc đi lại và điều này dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe.

Cẩm Tú

Theo Boldsky