Những phản ứng phụ thường gặp khi điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch
(Dân trí) - Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (Immune Checkpoint Inhibitors) là một thuốc mới đầy hứa hẹn trong điều trị ung thư. Nó có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
Những thuốc này hoạt động bằng cách tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại các tế bào ác tính, điều trị một số bệnh ung thư. Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thể sử dụng đơn thuần hoặc phối hợp cùng với hóa trị
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch hoạt động theo cách khác so với hóa trị truyền thống, có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Và điều quan trọng là bệnh nhân phải nhận biết được các tác dụng phụ có thể xảy ra đó.
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư quốc gia, bất kể ung thư ở cơ quan bộ phận nào, các tác dụng phụ do thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thể ảnh hưởng tới toàn thân. Các tác dụng phụ có thể xuất hiện nhanh chóng ngay sau khi bắt đầu điều trị, trong vòng vài tháng đầu tiên, hoặc thậm chí sau cả khi kết thúc điều trị. Nhiều loại tác dụng phụ có thể xảy ra do những nguyên nhân khác nhau dẫn tới cách điều trị là khác nhau. Vì vậy, hãy báo với nhân viên y tế về việc bệnh nhân đã hoặc đang dùng liệu pháp miễn dịch.
Bệnh nhân có thể có nhiều khả năng gặp tác dụng phụ hơn nếu được điều trị bằng từ hai loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch trở lên, hoặc được phối hợp điều trị với thuốc điều trị ung thư khác. Nhiều tác dụng phụ được điều trị bằng corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch khác để giúp kiểm soát tác dụng không mong muốn mà bạn gặp phải.
Một số tác dụng phụ bệnh nhân thường gặp khi điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch:
- Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi là một tác dụng không mong muốn rất thường gặp của nhiều phương pháp điều trị ung thư, bao gồm cả liệu pháp miễn dịch. Bệnh nhân hãy thử đi bộ và tập thể dục nhẹ nhàng để có thêm năng lượng. Ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước mỗi ngày. Bệnh nhân có thể tìm cách giảm căng thẳng bằng nhiều cách như nói chuyện với người thân, bạn bè, vẽ tranh hoặc nghe nhạc…
- Sốt: Nếu nhiệt độ từ 38 độ C trở lên, bệnh nhân có thể uống thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol) tuy nhiên hãy hỏi ý kiến các bác sĩ trước khi sử dụng.
- Có các triệu chứng giống cúm: Một số loại thuốc điều trị miễn dịch có thể khiến cơ thể bệnh nhân cảm thấy như bị cúm. Cùng với sốt, có thể bị đau đầu, buồn nôn, đau nhức cơ hoặc khớp, ớn lạnh, suy nhược và chóng mặt. Một số người còn bị sổ mũi, ho khan hoặc tiêu chảy.
Bệnh nhân có thể làm dịu các triệu chứng bằng các thuốc giảm đau thông thường, hoặc phải dùng thuốc kê đơn mạnh hơn cho các triệu chứng như tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng.
Bác sĩ có thể đề nghị bạn điều trị các triệu chứng này tại nhà. Ví dụ, để giảm khó chịu dạ dày, bạn có thể thử đồ ăn lạnh, không nặng mùi. Để giảm cảm giác nôn nao, hãy dùng thử nước đá, nước trái cây hoặc trà gừng. Chườm ấm hoặc chườm túi đá có thể làm dịu các cơ khi bị đau. Các liệu pháp trị liệu thay thế khác như xoa bóp, châm cứu và thôi miên cũng có thể giúp giảm các triệu chứng.
- Các vấn đề về da: Nhiều bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp miễn dịch có thể có các phản ứng trên da như là mẩn đỏ, ngứa, sưng hoặc đau giống như kim châm. Hoặc có thể thay đổi màu da, chuyển sang màu vàng, đỏ hoặc nhợt nhạt. Các vết phồng rộp và lở loét vùng niêm mạc miệng cũng gặp rất phổ biến.
Để các tổn thương trên da không trở nên trầm trọng hơn, bệnh nhân hãy sử dụng loại xà phòng không gây kích ứng da, và tắm với nước ấm - không quá nóng. Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da của bạn (loại không có nước hoa.) Tránh ánh nắng nhiều nhất có thể và nếu phải ra ngoài trời nắng, hãy sử dụng kem chống nắng có SPF 30 hoặc cao hơn. Bệnh nhân có thể đi khám các bác sĩ da liễu, nếu các triệu chứng không thuyên giảm.
- Các rối loạn tự miễn: Không giống như hóa trị và xạ trị, liệu pháp miễn dịch không nhắm vào tất cả các tế bào trong cơ thể bạn. Nó chỉ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn.
Đôi khi, loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch bệnh nhân sử dụng khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động quá mức. Dẫn tới các tế bào miễn dịch cơ thể tự tấn công một số mô và cơ quan khỏe mạnh.
Điều này xảy ra có thể dẫn đến các vấn đề như:
+ Các vấn đề về phổi (viêm phổi): Đau ngực, cảm giác khó thở.
+ Các vấn đề về tim (viêm cơ tim, rối loạn nhịp): Đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều.
+ Các vấn đề về đường ruột (viêm ruột): Tiêu chảy, đi cầu nhiều lần hơn bình thường, có máu hoặc chất nhầy trong phân, đau quặn bụng.
+ Các vấn đề về gan (viêm gan): Da, niêm mạc hoặc mắt vàng, nước tiểu sẫm màu, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, đau vùng hạ sườn phải.
+ Các rối loạn về các tuyến nội tiết (đặc biệt liên quan tới hormon và các tuyến giáp, tuyến tùng, tuyến tụy, tuyến thượng thận…): Mệt mỏi, đau đầu, thay đổi tâm trạng, rụng tóc, cảm thấy ớn lạnh, tim đập nhanh, vã mồ hôi…
+ Các vấn đề về mắt (viêm màng bồ đào): Thay đổi thị lực của bạn.
+ Các vấn đề về khớp hoặc cơ (viêm khớp, cơ): Đau ở các khớp của bạn hoặc các cơ và gân xung quanh.
+ Viêm não : Sốt, lú lẫn, thay đổi tính tình, hành vi, cứng cổ, co giật, nhạy cảm với ánh sáng.
+ Các vấn đề về thận: Tiểu ra máu, tiểu nhiều…
+ Các rối loạn về hệ thần kinh: Tê, ngứa bàn tay bàn chân, yếu, liệt chân tay hoặc mặt.
Hầu như những tình trạng này là nhẹ, nhưng đôi khi chúng có thể trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, nếu bệnh nhân nhận thấy bất kỳ điều nào trong số này, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn ngay lập tức. Bác sĩ có thể kê cho bạn corticosteroid để ức chế hệ thống miễn dịch của bạn, hoặc bạn cũng có thể phải ngừng liệu pháp miễn dịch. Việc bạn có thể bắt đầu điều trị lại hay không còn tùy thuộc vào việc các tác dụng phụ có thuyên giảm hoặc hết hay không.