1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những nguyên tắc cần thiết khi mang thai

(Dân trí) - Bạn có nên đi xe đạp, xe máy khi mang thai? Giữ vệ sinh trước và trong khi thai nghén như thế nào là tốt nhất?... Tất cả sẽ được bác sĩ Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh pôn trả lời dưới đây.

Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

 

Ngay từ tuần đầu tiên của thời kỳ thai nghén, người mẹ cần ăn đủ chất đạm, mỡ, vitamin, Acid Folic, Canxi, Sắt, Iod và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác giúp cho thai nhi tăng trưởng và dự trữ năng lượng cho việc phát triền sau khi trẻ sinh ra.

 

Chú ý: các loại hoa quả cung cấp nhiều Vitamin; rau ngót, rau muống cung cấp nhiều sắt; muối Iod và các thức ăn có nguồn gốc từ biển cung cấp Iod; thịt, gan, trứng và rau sẫm màu cung cấp nhiều Acid Folic.

 

Một điều nữa các bà mẹ cũng cần lưu ý, đó là không uống rượu, cà phê…

 

Theo dõi cân nặng

 

Khi mang thai, bà mẹ có thể tăng trung bình 12kg, trong đó 7kg sử dụng cho thai nhi phát triển, 5kg dự trữ để tiết sữa. Ba tháng đầu tăng 1kg, ba tháng giữa tăng 5kg, ba tháng cuối tăng 6kg. Do vậy, người mẹ phải theo dõi cân nặng thường xuyên để bổ xung và điều chỉnh chế độ ăn uống kịp thời, tránh tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.

 

Thế nhưng một thực tế là các bà mẹ thường để cân nặng “tăng tự do” quá nhiều, có những người tăng đến 18kg. Điều này rất bất lợi cho sức khoẻ cả mẹ và bé.

 

Việc tăng cân quá nhiều có liên quan chặt đến chế độ dinh dưỡng. Thai phụ cần tự điều chỉnh chế độ ăn uống đủ các chất dinh dưỡng như trên để vừa đảm bảo đủ năng lượng cho cả mẹ và bé phát triển, vừa không lên cân vùn vụt.

 

Khám thai định kỳ

 

Khám thai định kỳ là rất cần thiết trong việc theo dõi sự phát triển của thai nhi. Các thầy thuốc chuyên khoa căn cứ vào tuổi thai, cân nặng, vòng bụng, chiều cao tử cung và nhiều những dấu hiệu khác để đánh giá thai đang phát triển như thế nào.

 

Ngày nay, dưới sự trợ giúp của máy siêu âm, qua các số đo như đường kính hộp sọ, chu vi vòng bụng, chiều dài xương đùi... từ đó có thể ước lượng được trọng lượng thai cũng như sự phát triển của từng bộ phận để đưa ra những lời khuyên giúp cho các bà mẹ kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với sự phát triển của thai nhi.

 

Hạn chế đi xe máy, xe đạp

 

Khi mang thai bạn nên hạn chế đi xe máy hoặc xe đạp vì việc điều khiển trực tiếp các phương tiện này sẽ gây chấn động trực tiếp cho thai nhi.

 

Nếu công sở gần nhà, bạn hãy đi bộ đi làm, đó cũng là một phương pháp vận động rất tốt với thai phụ. Còn nếu không, hãy cố gắng để người thân trở đi làm.

 

Trong trường hợp bắt buộc phải tự đi xe máy, bạn hãy đi với tốc độ chậm nhất để giảm độ xóc, tránh gây chấn động cho thai nhi.

 

Giữ gìn vệ sinh trước và trong thời kỳ mang thai

 

Một việc tuy nhỏ nhưng cần lưu ý, đó là các bà mẹ cần tẩy giun sán trước khi có thai. Vì khi có thai, bác sĩ thường khuyên bạn không nên tẩy giun. Hãy quan tâm đến môi trường sống, làm việc, đảm bảo một môi trường trong lành, không ô nhiễm sẽ rất tốt cho cả mẹ và bé.

 

Thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và phải được nấu chín trước khi ăn. Sử dụng nước giếng hoặc nước máy đun sôi, không sử dụng nước sông hoặc ao hồ. Nên tư vấn từ các thầy thuốc chuyên khoa trước và trong khi mang thai.

 

Thực hiện tốt sinh đẻ có kế hoạch

 

Một bà mẹ đẻ dày, đông con khó có thể chăm sóc tốt cho bản thân trong thời kỳ mang thai và cho những đứa con của mình sau khi sinh ra, đó là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng cho trẻ.

 

Do vậy, mỗi bà mẹ chỉ nên có 1 hoặc 2 con để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn, tránh tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

 

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Bệnh viện Xanh Pôn

Dòng sự kiện: Mang thai