1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những nguyên nhân "lãng xẹt" gây suy thận

(Dân trí) - Suy thận là căn bệnh mãn tính nhưng điều đáng sợ là nó khiến người bệnh phải gắn chặt đời mình với chiếc máy chạy thận tuần mấy buổi. Trong khi đó, bệnh lại xuất phát từ những nguyên nhân tưởng như "lãng xẹt".

Những nguyên nhân "lãng xẹt" gây suy thận - 1

Sơ lược về viêm cầu thận thấp

Mỗi quả thận có khoảng 1 triệu đơn vị thận (nephron), chúng có chức năng lọc máu, tạo nước tiểu để thải ra ngoài. Cầu thận (glomerulus) là thành phần quan trọng nhất của đơn vị chức năng thận.

Hội chứng viêm cầu thận cấp là một thương tổn viêm cấp của những cầu thận, đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột bởi phù, tiểu ít và tăng huyết áp; xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu và protein niệu.

Tác nhân gây viêm cầu thận cấp có thể do nhiễm khuẩn hoặc không. Vi khuẩn gây bệnh nhất là liên cầu tan huyết nhóm A, thường gây viêm họng, vêm da, chốc đầu trước đó. Một số vi khuẩn khác cũng có thể gây viêm cầu thận cấp như tụ cầu, phế cầu, thương hàn, não mô cầu, Klebsiella Pneumoniae,...Hiếm gặp hơn là do siêu vi, nấm, ký sinh trùng….. Những tác nhân không viêm nhiễm có thể là bệnh tạo keo như luput ban đỏ hệ thống, viêm quanh động mạch dạng nút, viêm khớp dạng thấp, hay do dị ứng, quá mẫn với một số thuốc như penicilline, sulfamide, vaccine hay một số thức ăn như tôm, cua….

Ở trẻ em viêm cầu thận cấp thường xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn cổ họng, bệnh nhân có thể phù, tiểu ít hoặc vô niệu và tăng huyết áp: Một ít trường hợp tiến triển nhanh sang dạng ác tính gây tử vong sớm do suy thận cấp.

Suy thận là gì?

Hai quả thận là phần quan trọng nhất của hệ thống tiết niệu. Chúng có chức năng lọc các chất thải, độc hại trong máu để thải qua nước tiểu ra ngoài. Thận cũng có thêm các chức năng khác như: hằng định nội môi qua việc điều chỉnh ổn định các chất điện giải, độ toan-kiềm của máu, điều chỉnh cân bằng huyết áp và sinh mới hồng cầu chống thiếu máu.

Khi chức năng thận bị suy, suy thận, người bệnh sẽ bị ứ đọng các chất thải (urê, creatinine, ammoniac…), rối loạn điện giải, toan-kiềm, tăng huyết áp và thiếu máu (giảm hồng huyết cầu).

Theo thời gian phát bệnh, y học chia hai nhóm: (1) suy thận cấp: phát triển và tiến triển nhanh, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được cứu chữa kịp thời, tích cực và đúng phương pháp, và (2) suy thận mạn: phát triển từ từ, thường là hậu quả của các bệnh thận mạn tính của thận gây giảm sút về số lượng đơn vị lọc cầu thận (nephron) lẫn chức năng, mức lọc cầu thận.

Nguyên nhân suy thận cấp

Lấy vị trí quả thận làm mốc, có thể chia suy thận cấp thành ba nhóm:

* Suy thận cấp trước thận (suy thận cơ năng)

Với những nguyên nhân gây lượng máu tưới đến thận bị suy giảm cấp, nghiêm trọng như sau(1) Giảm thể tích tuần hoàn do mất máu vì chấn thương, xuất huyết…, do mất dịch trong lòng mạch vì bỏng, viêm phúc mạc, viêm tụy cấp, tắc ruột, hạ albumin máu, hội chứng thận hư, xơ gan, ỉa chảy, nôn…., do mất qua thận vì đái tháo đường nhiễm toan xeton, tăng áp lực thẩm thấu máu …, do mất ra da vì vả mồ hôi, bỏng nặng, vận động nặng kéo dài,rối loạn điều hoà thân nhiệt vì trúng nóng, say nắng, do giảm cung lượng tim vì nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng tim chèn ép, nhồi máu phổi; (2) Bệnh mạch thận như hẹp, xơ vữa, co thắt, tắt mạch, nhồi máu mạch thận và (3)Rối loạn điều hoà mạch thận do nhiễm trùng, hội chứng gan thận….

* Suy thận cấp tại thận (suy thận thực thể)

Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất của suy thận cấp. Ba nhóm nguyên nhân gây suy thận cấp tại thận là: (1) Tổn thường ống thận do thiếu máu, tổn thương do thuốc (kháng sinh aminoglycoside, cephalosporin, amphotericin B, thuốc cản quang có iode, chất điều trị cisplatin), do độc chất như kim loại nặng, mật cá trắm, tổn thương ống thận thứ phát sau nhiễm khuẩn nặng, và tắc ống thận do sản phẩm phân huỷ từ tế bào như huyết cầu tố (hemoglobulin) và nhục tố (myoglobulin) vì tan máu, tiêu cơ vân, tổn thương cơ do nhiệt, myeloma; (2) Viêm thận kẽ do nhiễm trùng (streptococcus, pneumococcus…), virút (EBV, CMV, HIV), nấm (Mycoplasma), do thâm nhiễm (lymphoma, sarcoidosis); (3) Bệnh cầu thận như kháng thể màng đáy (hội chứng Goodpasture), viêm mạch Wegener, hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS), hội chứng tan máu giảm tiểu cầu (TTP).

* Suy thận cấp sau thận (tắc nghẽn đường tiểu)

Những tắt nghẽn làm nước tiểu bí lại và gây suy thận thứ phát. Tác nhân gây tắc có thể là sỏi, u cục trong hệ tiết niệu (axít uric, canci oxalat, acyclovir, methotrexate, protein Bence Jone, cục máu đông, sỏi, hoại tử nhú) hay do chèn ép từ từ ngoài (u sau phúc mạc, u tử cung, u xơ tiền liệt tuyến, u niệu đạo, u bàng quang, buộc nhầm niệu quản trong mổ đẻ...)

Làm thế nào xác định suy thận cấp

Thường bệnh nhân đi khám vì có dấu hiệu lâm sàng quan trọng nhất là tiểu tiện ít dần rồi không tháy có nước tiểu (vô niệu). Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, khó thở, có thể bị phù mặt, chân….

Tại các cơ sở y tế, thầy thuốc nhanh chóng và dễ dàng xác định bệnh qua một mẫu xét nghiệm máu cơ bản để biết chính xác:

- Nồng độ creatinine, ure huyết tương, phản ảnh chức năng thận. Trong suy thận hai chất thải này đều tăng; tỷ lệ thuận với bệnh trạng: càng suy thận nặng nồng độ càng tăng cao tăng.

- Rối loạn điện giải máu, thường natri giảm và kali tăng.

- Toan chuyển hóa, thể hiện độ axít máu tăng (pH giảm), dự trữ kiềm giảm.

Để chẩn đoán nguyên nhân và phân biệt, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm khác như: Xquang bụng để tìm sỏi, Siêu âm, CT-scan ổ bụng, MRI mạch máu xác định tắc nghẽn động mạch, tĩnh mạch thận, Công thức máu, Chức năng gan, Xét nghiệm nước tiểu toàn phần...

Xử trí suy thận cấp

Suy thận cấp chức năng hay thực thể đều đe doạ đến tính mạng người bệnh nên là những bệnh lý nặng đòi hỏi phải xử trí cấp cứu. Bệnh nhân phải được đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa, không được để người bệnh điều trị tại nhà.

Tại phòng chăm sóc tích cực (ICU) của bệnh viện, tất cả bệnh nhân suy thận cấp được nhanh chóng điều trị theo ba hướng: (1) Khôi phục lại chức năng thải độc và ổn định nội môi của thận, (2) Xử trí nguyên nhân như bù thể tích tuần hoàn (chuyền máu, truyền hồng cầu, các chế phẩm máu, truyền dịch….), lọc máu để loại bỏ các chất độc, kim loại nặng.v.v…, điều trị nhiễm trùng và (3) Giải quyết các tắc nghẽn sau thận như sỏi tiết niệu, u xơ tiền liệt tuyến, các khối u, máu cục… gây tắc nghẽn, gây chèn ép.

Đôi điều bàn luận

Viêm cầu thận cấp do liên cầu tan máu nhóm A chiếm đa số các viêm cầu thận cấp ở trẻ em. Bệnh thường có tiên lượng tốt, tỷ lệ khỏi bệnh cao (85 - 95%). Bệnh thường diễn tiến trung bình 1-2 tuần lễ, bệnh nhân sẽ tiểu nhiều trở lại, hết phù, huyết áp và nước tiểu trở lại bình thường.

Tuy nhiên, cần lưu ý khả năng viêm cầu thận cấp diễn tiến nhanh, ác tính, có thể gây suy thận cấp đưa đến tử vong.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam