Những nguyên nhân gây chóng mặt và cách khắc phục
(Dân trí) - Cảm giác muốn xỉu, choáng váng hoặc thấy căn phòng như đang quay tròn? Có tới 30% những người trên 60 tuổi bị chóng mặt vào một thời điểm nào đó, tỷ lệ này ở người trên 85 tuổi là khoảng 50%.
Cảm giác khó chịu này hiếm khi báo hiệu một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nhưng nó có thể khiến bạn mất thăng bằng, dẫn đến ngã và chấn thương.
Tại sao bạn cảm thấy chóng mặt?
Một trong những nguyên nhân hay gặp nhất của chóng mặt ở người lớn tuổi là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), có thể ảnh hưởng đến 10% số người ở độ tuổi 80.
BPPV xảy ra khi các tinh thể nhỏ ở tai trong, đóng vai trò thăng bằng, bị lệch chỗ. BPPV dễ xảy ra khi chúng ta già đi vì sự thoái hóa có thể khiến các tinh thể dịch chuyển ra khỏi vị trí.
Hệ quả là chóng mặt thường xảy ra khi tư thế đầu bị thay đổi. Những người bị BPPV thường phàn nàn rằng họ thấy căn phòng xoay tròn khi trở mình trên giường, khi nằm xuống hoặc ngồi dậy, khi ngửa hoặc cúi đầu hoặc thực hiện các cử động đầu nhanh khác. Những cơn chóng mặt này thường chỉ kéo dài một hoặc hai phút, nhưng chúng có thể xảy ra không liên tục trong một khoảng thời gian.
Tụt huyết áp cũng có thể gây chóng mặt, thậm chí ngất xỉu, đặc biệt là khi thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng. Cái gọi là hạ huyết áp tư thế này thường là hệ quả của vấn đề với thuốc huyết áp. Một số loại thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc ho và cảm lạnh, và thuốc kháng sinh cũng có thể dẫn đến chóng mặt.
Mất nước có thể là một thủ phạm khác gây hạ huyết áp tư thế. Uống đủ nước là điều cực kỳ quan trọng đối với sự cân bằng, huyết áp và sức khỏe nói chung, nhưng nhiều người cao tuổi không uống đủ nước. Suy giảm thính giác và thị lực cũng có thể thay đổi cách bạn cảm nhận vị trí của cơ thể trong không gian, ảnh hưởng đến thăng bằng.
Đối phó với chóng mặt
Nếu bạn cảm thấy thậm chí chỉ là chóng mặt nhẹ, hãy dừng việc đang làm và ngồi xuống hoặc nằm xuống ngay lập tức để không bị ngã. Kiểm tra và ghi lại mạch nếu có thể. Thông tin này có thể giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân có thể liên quan đến tim gây chóng mặt, bao gồm cả rối loạn nhịp tim.
Hầu hết các cơn chóng mặt không kéo dài quá vài phút. Nhưng nếu nó kéo dài hoặc trầm trọng hơn, hoặc kèm theo đau đầu dữ dội hoặc nôn, thay đổi thị lực, nói khó, tê một bên người hoặc đau ngực, hãy gọi cấp cứu. Đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ hoặc đau tim.
Còn không, khi cảm thấy an toàn, hãy từ từ đứng lên hoặc thay đổi tư thế, sau đó uống một cốc nước.
Hãy cho bác sĩ của bạn biết về cơn chóng mặt. BPPV thường có thể được điều trị bằng một bài tập nghiêng đầu nhẹ nhàng được gọi là nghiệm pháp Epley. Bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ chuyên khoa thần kinh tai, bác sĩ trị liệu tiền đình hoặc bác sĩ chăm sóc sức khỏe có kinh nghiệm có thể hướng dẫn bạn cách thực hiện một phiên bản của nghiệm pháp này tại nhà.
Ngoài ra, hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn bị chóng mặt sau khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới hoặc thay đổi liều lượng của loại thuốc đang dùng. Điều này có thể báo hiệu hạ huyết áp tư thế.
Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể sẽ đo huyết áp và mạch khi bạn nằm, ngồi và đứng để xem liệu nó có giảm xuống khi thay đổi tư thế hay không. Nếu cần, họ có thể đề xuất thay đổi loại thuốc hoặc cho bạn xét nghiệm nước tiểu để biết liệu bạn có bị mất nước hay không.
Phòng ngừa
Chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn và cho bác sĩ biết về các tác dụng phụ mới.
Đảm bảo uống đủ nước. Kiểm tra thính giác và thị lực thường xuyên - và khắc phục mọi vấn đề - cũng có thể giúp giảm khả năng xuất hiện các cơn chóng mặt trong tương lai Nếu bị đục thủy tinh thể, hãy điều trị. Nếu nghe kém, bạn hãy mang máy trợ thính.