1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những người vượt qua nước mắt để thấy mùa xuân

Hồng Hải

(Dân trí) - Chàng trai trẻ 21 tuổi phát hiện ung thư máu khi đang là cậu bé lớp 9. "Mình khủng hoảng, suy sụp tinh thần, rơi nước mắt rất nhiều... nhưng rồi, mình phải chiến đấu với bệnh tật", Mạnh chia sẻ.

Sốc đến muốn gục ngã nhưng đã đứng lên

Có mặt tại chương trình "Câu chuyện Mùa Xuân 2024" diễn ra chiều 1/2 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chàng sinh viên năm 2 Bùi Tiến Mạnh chia sẻ, anh thấy vinh dự, may mắn khi có mặt tại đây, chia sẻ câu chuyện của bản thân để truyền cảm hứng cho mọi người vượt qua căn bệnh ung thư máu.

Những người vượt qua nước mắt để thấy mùa xuân - 1

Mạnh tham gia các câu lạc bộ vì bệnh nhân ung thư, thường xuyên đến bệnh viện thăm nom, động viên các em nhỏ mắc căn bệnh giống mình (Ảnh: B.V).

Cách đây 6 năm, khi còn là cậu học sinh lớp 9, bác sĩ chẩn đoán Mạnh mắc ung thư máu. Dù bố mẹ giấu không cho biết, nhưng việc phải nhập viện, gián đoạn học tập, cậu mường tượng ra căn bệnh mình đối mặt. Rồi tình cờ trong một lần, khi biết mình bị ung thư, Mạnh đã "khóc rất nhiều, dù biết mình là con trai, phải mạnh mẽ.

Những người vượt qua nước mắt để thấy mùa xuân - 2

Cậu sinh viên năm 2 hiện giờ khỏe mạnh, vừa đi học, vừa làm thêm, vừa tham gia các câu lạc bộ vì bệnh nhân. 6 năm trước, em là cậu bé gầy nhom, xanh xao, sốt liên tục vì ung thư máu (Ảnh: Hồng Hải).

Trái với hình ảnh cậu bé nhỏ gầy, sốt nhiều, xanh xao, hiện giờ Mạnh là chàng trai khỏe mạnh, vừa là sinh viên năm 2, vừa đi làm thêm, vừa tham gia các câu lạc bộ vì bệnh nhân ung thư.

"Ung thư không phải là dấu chấm hết. Dù thấy khó khăn, vất vả trong quá trình điều trị, mọi người hãy cố gắng vượt qua, rồi chúng ta sẽ được đền đáp", Mạnh động viên các bệnh nhân ung thư đang điều trị.

Chia sẻ câu chuyện của mình tại sự kiện, chị Phượng Nhi (Hà Nội) cho biết, 3 năm trước khi biết mình mắc ung thư, chị cũng như bao bệnh nhân khác, chị khóc, suy sụp, hụt hẫng.

"Tôi đã khóc một tuần liền, chỉ cần nghĩ đến lại tủi thân, nước mắt tuôn rơi", chị Nhi kể lại.

Nhưng nhờ sự động viên của các y bác sĩ, rồi thấy những đồng bệnh khác trong phòng, họ cũng đang kim truyền đầy mình nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ đã tiếp cho chị Nhi nghị lực chiến đấu với bệnh tật.

Những người vượt qua nước mắt để thấy mùa xuân - 3

Chị Phượng Nhi chia sẻ câu chuyện bản thân đã vượt qua ung thư máu (Ảnh: Hồng Hải).

Trong quá trình điều trị hóa chất, miệng khô đắng, nôn ọe, không ăn được gì nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua, tìm đến các loại ngô, khoai, trái cây... để giúp mình có sức lực vượt qua giai đoạn điều trị.

"Rồi tất cả những đau đớn, khó khăn đó cũng qua đi. Đến giờ, nhiều lúc tôi không còn nhớ mình là bệnh nhân ung thư. Tôi tập yoga, học thiền, đọc sách... khi rảnh rỗi. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người, hãy cố gắng bình tâm, không đau buồn, lo lắng, lạc quan, vững niềm tin sẽ giúp chúng ta vượt qua bệnh tật", chị Nhi nói.

Hơn 1.000 ca mắc mới ung thư máu mỗi năm

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn quốc, năm 2020, Việt Nam có gần 6.300 ca mắc mới ung thư máu. Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, mỗi năm phát hiện khoảng 1.500 ca mắc mới gồm cả trẻ em và người lớn.

TS.BS Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, với nhiều người, bệnh ung thư gây ra sự sợ hãi, đau buồn, kiệt quệ sức lực và sự lo sợ về cái chết. Nhưng ngày nay, thế giới và ngay tại Việt Nam cũng đã và đang áp dụng những phác đồ điều trị, những loại thuốc chữa trị ung thư thực sự hiệu quả.

"Ung thư không nên được coi là "căn bệnh chết chóc" nữa, mà chỉ là "căn bệnh nan y" cần chữa trị trong một thời gian dài. Người bệnh ung thư có thể lui bệnh, phục hồi, duy trì sức khỏe ổn định một cách an toàn sau thời gian điều trị", TS Bình nói.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị đó, bệnh nhân phải học các kỹ năng quản lý, vượt qua khủng hoảng tâm lý, chăm sóc cơ thể, chăm sóc dinh dưỡng để có thể trạng tốt, tâm thế lạc quan chiến đấu với bệnh tật.

Tại chương trình "Câu chuyện mùa xuân", những người thực việc thực, là các "chiến binh" vượt qua ung thư máu, họ chia sẻ câu chuyện của mình để  truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan cho những người bệnh đang điều trị.

"Chúng tôi mong muốn gửi tới người bệnh/người nhà người bệnh và cộng đồng một thông điệp mang năng lượng tích cực: "Ung thư không phải là kết thúc, mà chỉ là khởi đầu một hành trình sống mới, với những trải nghiệm mới. Dù có nỗi buồn khổ, có sự mệt mỏi, nhưng vẫn còn đó niềm tin và những ân tình gửi trao tới mỗi người bệnh, chia sẻ để cùng người bệnh vượt qua khó khăn", TS Bình chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm