Những người này không thể làm ngơ với bệnh ung thư dạ dày

Hà An

(Dân trí) - Ung thư dạ dày là 1 trong 10 bệnh ung thư thường gặp ở nước ta trong nhưng năm gần đây. Vậy những ai có nguy cơ mắc ung thư dạ dày?

Đối tượng nguy cơ mắc ung thư dạ dày

- Hút thuốc lá

Đây là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng. Tại Bệnh viện K hầu hết nam giới mắc ung thư dạ dày đều sử dụng thuốc lá. Đây có thể xem là yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.

- Nam giới tuổi trên 40: Trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỉ lệ cao khoảng hơn gấp đôi so với phụ nữ mắc ung thư dạ dày.

Những người này không thể làm ngơ với bệnh ung thư dạ dày - 1

- Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên…

Những người thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm được chế biến sẵn như hun khói, thức ăn ngâm tẩm, muối, món ăn chứa lượng muối cao thường có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người có thói quen ăn uống nhạt và thanh đạm.

- Những người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa

Ung thư dạ dày thường gặp ở người đã có bệnh dạ dày từ trước, như tiền sử đã phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, bệnh nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).

- Di truyền

Nếu trong gia đình từng có thành viên có tiền sử bị bệnh ung thư, thì nguy cơ tự bị mắc ung thư liên quan sẽ có tỉ lệ cao hơn.

- Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

- Ngoài ra những người tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày, thiếu máu nghi ngờ ác tính, dị sản ruột tại dạ dày cũng không thể làm ngơ với căn bệnh ung thư này.

Dấu hiệu ung thư dạ dày

Sau đây là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày bạn cần lưu ý:

- Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với trong loét dạ dày (đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét).

Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng.

- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là tiết lộ bạn đang gặp rắc rối với vị giác, tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra. Nếu có các khối u ở dạ dày thì cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn chán ăn. Các khối u này chính là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày, do đó bạn không được chủ quan.

- Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.

- Nôn ra máu: Khi nôn có lẫn máu thì bạn cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày.

- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: Người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn... Ợ nóng là một triệu chứng phức tạp, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư. Những người bị chứng ợ nóng có thể bị loét dạ dày tá tràng, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, điều này khiến họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.

- Đi ngoài phân màu bất thường: Nếu bạn xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên thì rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày.