Những người này cần lưu ý đi khám dạ dày định kỳ

Hà An

(Dân trí) - Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp.

Điều đáng tiếc là ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Trong khi đó đa số người bệnh đến khám và điều trị căn bệnh này tại Bệnh viện K Trung ương ở giai đoạn muộn, đã di căn, gây khó khăn trong việc điều trị và tốn kém về kinh phí.

TS.BS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K, ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân đến với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm theeo bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và cảm giác nóng rát. Trong những trường hợp mà bệnh ung thư tiến triển hơn thì chúng ta có thể thấy những hấu hiệu rõ hơn ví dụ như bệnh nhân có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày, bệnh nhân có thể đau, buồn nôn, và thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút. Đấy là những biểu hiện bệnh tiến triển của ung thư giai đoạn muộn hơn.

Phương pháp hữu hiệu nhất để phát hiện sớm ung thư dạ dày hiện nay vẫn là nội soi dạ dày bằng ống mềm cho phép bácsĩ đánh giá toàn bộ niêm mạc trọng dạ dày, và nếu có tổn thương có thể sinh thiết để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày. Người dân nên đi thăm khám sớm khi có dấu hiệu bất thường, khám định kỳ 6 tháng/lần.  

Những người này cần lưu ý đi khám dạ dày định kỳ - 1

Các đối tượng có nguy cơ sau cần tầm soát ung thư dạ dày định kỳ:

- Tuổi cao (> 50 tuổi)

- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa...

- Người bị viêm loét dạ dày-tá tràng mãn tính, nhiễm HP.

- Người có thói quen ăn uống nhiều đồ muối, đồ nướng, thực phẩm bảo quản kém chất lượng.

- Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia.

- Người có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày: đau bụng, ợ hơi, ợ chua kéo dài, …

Dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày

- Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với trong loét dạ dày chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.

- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. 

- Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.

- Nôn ra máu, ợ chua, đầy bụng sau khi ăn, đi ngoài phân màu bất thường thì rất có thể cảnh báo bạn đã mắc ung thư dạ dày.

Ung thư là một bệnh cần phải điều trị đa mô thức nói chung và đặc biệt là ung thư dạ dày cũng không nằm ngoài đặc điểm chung đó, điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức, phẫu thuật, hóa chất, xạ trị. Trong đó phẫu thuật đã, đang và vẫn đóng vai trò quan trọng nhất mang tính chất triệt căn. Trong phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày có 2 phương pháp, một là phẫu thuật kinh điển mổ cắt toàn bộ hoặc gần toàn bộ, nạo vét hạch trong ung thư dạ dày. Phương pháp thứ 2 là phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi là cách tiếp cận để cắt dạ dày bằng nội soi ổ bụng, từ nội soi 2D đến nội soi 3D và cuối cùng là phẫu thuật nội soi Robot, đó là phẫu thuật có tính thừa kế, phát triển, hoàn thiện ở mức độ cao hơn. 

 Cách phòng tránh ung thư dạ dày

Những người này cần lưu ý đi khám dạ dày định kỳ - 2

- Duy trì cân nặng lý tưởng và chăm tập thể dục. 

- Hạn chế bia, rượu và các chất kích thích.

- Sử dụng những thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ

- Điều trị các bệnh lý viêm dạ dày ngay khi phát hiện bệnh

- Khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polyp, u lành trong dạ dày

- Tầm soát ung thư định kỳ nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hóa…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm