Những ngày “đèn đỏ” ảnh hưởng nhiều đến công việc của người phụ nữ
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây thấy rằng có khá nhiều phụ nữ đi làm phải nghỉ ốm do hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Các chuyên gia kêu gọi những người sử dụng lao động thay đổi quan niệm trước thực tế này.
17 triệu là tổng số ngày “nghỉ ốm” mỗi năm của phụ nữ Anh do Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
Nghiên cứu mới đây của nhãn hàng sức khỏe Cleanmarine trên 2.000 phụ nữ trên 18 tuổi thấy rằng những khó chịu do kinh nguyệt có tác động lớn đến sức khỏe của phụ nữ đi làm.
Một phần ba số chị em phải nghỉ 4 ngày hoặc hơn mỗi năm do những khó chịu “không hề nhẹ” này. Nhưng điều khó chịu hơn nữa là nhiều người còn phải lo lắng về chuyện xin nghỉ. Gần một nửa (46%) không dám tiết lộ lý do thực sự khiến họ phải nghỉ. Trong khi 1/4 (24%) nghĩ rằng người chủ sử dụng lao động sẽ không chú ý nghiêm túc đến các triệu chứng “khó nói” này.
Và cũng không thể trách họ được? Liệu có bao nhiêu người trong số phụ nữ chúng ta cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi gọi điện cho sếp nam và nói rằng chúng ta không thể đi làm được vì ngực đang đau tức và bụng thì nặng trịch vì sắp đến ngày “đèn đỏ”.
Ngay cả những vận động viên chuyên nghiệp cũng gặp phải chuyện này. Mới tuần trước, cựu vô địch giải Wimbledon - Petra Kvitova - đã tâm sự rằng cô đã gặp khó khăn thế nào khi phải thi đấu một giải lớn vào đúng thời điểm “nhạy cảm” trong tháng. Còn Heather Watson - ngôi sao quần vợt người Anh - thì than thở chính các triệu chứng tiền kinh nguyệt là nguyên nhân thất bại của cô trong giải Úc mở rộng hồi đầu năm nay (khi bạn chơi trong giải grand slam thì việc nghỉ ốm là điều không thể).
Trên các trang báo, kinh nguyệt thường được coi là một chủ đề “nhạy cảm”. Nhưng hãy đối mặt với những bằng chứng vững chắc cho thấy điều này đang làm hại đến sự nghiệp của người phụ nữ. Đây chính là thời điểm bước ngoặt cho tất cả những người sử dụng lao động. Vì nếu những ngày “đèn đỏ” khiến các nhân viên nữ bị stress - và đau tức - thì cả sức khỏe, sự hài lòng và công việc đều có thể gặp nguy cơ nghiêm trọng.
Báo cáo mới cho thấy 1/6 số phụ nữ bị đau đến mức không thể ra khỏi giường. 1/7 cho biết họ chỉ có thể xoay xở để hoàn thành khoảng một nửa khối lượng công việc bình thường.
Tuy nhiên, kinh nguyệt không phải là bệnh. Nó là một quá trình tự nhiên. Chúng ta không thể bắt một nửa dân số phải giam mình ở nhà như những nữ tu trong ngày “đèn đỏ” “. Nghỉ làm “bắt buộc” trong những ngày này không phải là câu trả lời. Điều mà mọi phụ nữ mong muốn không phải là qui định bắt buộc nghỉ làm, mà là sự thông cảm. Mà thực ra, rút cuộc thì họ “giữ gìn” trong những ngày đó là để cho ai? Chắc chắn không phải để cho những người bạn gái rồi.
Kinh nguyệt là điều không mấy dễ chịu, nhưng một nửa thế giới phải chấp nhận chúng trong đời. Chỉ riêng việc ít có phụ nữ đảm nhiệm những vị trí cao trong công ty cũng đồng nghĩa với việc chủ đề này hiếm khi được đề cập tới.
Thay vì buộc phải che giấu những triệu chứng của mình, người phụ nữ cần được thoải mái với việc có sẵn chai nước nóng trên bàn nếu cần, và có thể xin nghỉ ốm nếu các triệu chứng vượt quá sức chịu đựng.
Và cơ bản nhất - họ cần những chiếc máy bán tampon và băng vệ sinh, giá rẻ, đặt trong nhà vệ sinh nữ.
Bạn có thể hình dung được rằng cánh đàn ông sẽ chịu đựng trong im lặng nếu tháng nào họ cũng bị chảy máu suốt vài ngày?
Nghỉ làm vì Hội chứng tiền kinh nguyệt cần được qui định trong chính sách nghỉ ốm của mọi người sử dụng lao động và không phải là lý do để xấu hổ. Và làm thế nào để người phụ nữ có thể thoải mái gọi điện cho sếp của mình để xin nghỉ mà không phải bịa ra lý do rằng “em bị đau bụng vì ăn phải cái gì đó tối qua”.
Cẩm Tú
Theo Daily Mail