Những loại thuốc và thực phẩm ”kị” nhau
(Dân trí) - Người cao tuổi thường phải sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị những tình trạng bệnh khác nhau. Điều này có thể dẫn đến những tương tác và tác dụng phụ mà tất cả chúng ta đều cần biết.
Các thuốc không chỉ tương tác với nhau, mà chúng còn có thể tương tác với các thực phẩm và đồ uống, cũng như với các thảo dược phổ biến.
1. Statin và nước ép bưởi chùm
Nhiều người được kê đơn các thuốc thuộc nhóm statin để ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ.
Statin là nhóm thuốc trụ cột để quản lý cholesterol, nhưng không phải là không có những tương tác với các thuốc khác và thực phẩm.
Đặc biệt quan trọng cần lưu ý là tương tác giữa một số statin với nước ép bưởi chùm.
Những người có cholesterol cao thường được khuyên nên thay đổi lối sống, có thể bao gồm tăng lượng trái cây và rau trong chế độ ăn.
Mặc dù điều này đáng khuyến khích, song cần lưu ý là nước ép bưởi chùm có thể làm chậm giáng hóa statin trong cơ thể, do đó làm tăng sự hiện diện của thuốc trong máu, dẫn đến nhiều tác dụng phụ hơn. Những tác dụng phụ đã biết của statin bao gồm tổn thương gan.
2. Warfarin và rau lá xanh
Warfarin, một loại thuốc ngăn ngừa và điều trị huyết khối, được kê đơn khá phổ biến tại Anh.
Những người dùng warfarin cần đi xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo đang dùng đúng liều để điều trị tình trạng bệnh cụ thể của mình. Một tương tác đáng lưu ý của thuốc này là với vitamin K.
Các chế phầm bổ sung và thực phẩm có chứa vitamin K, như rau lá xanh và trà xanh, có thể làm giảm tác dụng của warfarin do đẩy nhanh việc đào thải thuốc khỏi cơ thể, có nghĩa là những người dùng có thể bị những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu.
Bạn nên báo cho bác sĩ biết nếu đang thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn để bác sĩ điều chỉnh liều warfarin cho phù hợp.
Nhóm thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs), như citalopram, khi sử dụng cùng với thuốc giảm đau chống viêm, như ibuprofen, có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết nội
3. Thuốc chống trầm cảm và ibuprofen
Sử dụng thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs), như citalopram, cùng với thuốc giảm đau chống viêm, như ibuprofen, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu bên trong.
Tai biến này thường gặp ở đường tiêu hóa và các triệu chứng có thể bao gồm phân đen, đau bụng, mệt mỏi, nôn ra máu, cảm giác choáng ngất hoặc chóng mặt.
Có thể tránh được tác dụng phụ này bằng cách sử dụng các thuốc bảo vệ dạ dày như lansoprazole.
Tuy nhiên, cần lưu ý là một số loại thuốc bảo vệ dạ dày khác cũng có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm, vì vậy phải lựa chọn một cách khôn ngoan.
4. Metronidazole và rượu
Metronidazole là một loại kháng sinh được kê đơn phổ biến, đặc biệt là để điều trị nhiễm trùng răng miệng. Mặc dù bác sĩ thường khuyên không uống rượu khi đang uống các thuốc kê đơn, song lời khuyên này đặc biệt quan trọng với metronidazole.
Uống rượu trong khi đang uống metronidazole có thể dẫn đến buồn nôn và nôn nghiêm trọng. Không chỉ nên tránh uống rượu khi đang dùng thuốc, mà bạn còn nên đợi ít nhất hai ngày sau khi kết thúc liệu trình.
Điều này là để đảm bảo rằng tất cả các thuốc đã rời khỏi cơ thể.
5. Cỏ thánh John (St John's Wort) và thuốc tránh thai
St John’s Wort là một thảo dược phổ biến, được sử dụng để điều trị các triệu chứng trầm cảm nhẹ. Một số người cho rằng bởi vì là thảo dược, nên loại thuốc này vô hại. Nhưng không phải như vậy.
St John’s Wort là ví dụ về chất cảm ứng enzyme, một chất làm tăng tốc độ giáng hóa một chất khác.
Bằng cách thúc đẩy sự giáng hóa của thuốc khác với tốc độ nhanh hơn bình thường, nó có thể khiến cho thuốc khác trở nên kém hiệu quả hơn.
Trong khi Wort St John có thể có tác dụng này đối với nhiều loại thuốc, một trong những lưu ý đặc biệt là thuốc tránh thai.
St John's Wort làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai, làm tăng nguy cơ người dùng thuốc có thai.
Tương tác nghiêm trọng đến mức Cục quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh đã khuyên nên tránh kết hợp St John's Wort và thuốc tránh thai nội tiết phối hợp.
6. Canxi bổ sung và các thuốc khác
Khi chúng ta già đi, xương trở nên yếu hơn, rất nhiều người được bổ sung canxi và vitamin D để tăng cường xương và ngăn ngừa gãy xương.
Tuy những sản phẩm này nhiều lợi ích người, song cần hiểu rằng chúng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thu các loại thuốc khác.
Những thuốc này bao gồm thuốc phòng ngừa sốt rét, một số thuốc kháng sinh và những thuốc dùng để điều trị suy giáp.
Đối với hầu hết các loại thuốc, tương tác này có thể được khắc phục bằng cách giãn thời gian uống canxi và thuốc khác. Khoảng cách giữa hai thuốc từ hai đến sáu tiếng thường là đủ.
Đặc biệt quan trọng là nếu bạn đang uống bất kỳ loại thuốc nào được đề cập ở trên thì cũng không được ngừng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Bất kỳ thay đổi đột ngột nào trong việc sử dụng thuốc đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn bất kỳ tương tác nào được liệt kê trong bài viết này
Cẩm Tú
Theo DM