Những loại thuốc gây sạm da

Một số thuốc khi dùng có thể làm da sạm đi, khiến bệnh nhân sốt ruột tự tìm cách chữa, nhiều khi dẫn đến hậu quả xấu. Thực ra cách tốt nhất là ngừng thuốc và kiên nhẫn đợi một thời gian, chứng sạm sẽ hết dần.

Thuốc trực tiếp gây sạm da

 

Thuốc chữa loạn thần và thuốc chữa dị ứng

 

Làm tăng tính nhạy cảm của da với ánh sáng. Khi dùng liều cao, kéo dài, đặc biệt là có ra nắng thì sẽ bị sạm đen trên vùng da hở. Phải ngừng thuốc khá lâu, sạm mới hết; có trường hợp sạm chỉ mất đi một phần.

 

Thuốc trị sốt rét chloroquin hay hydrochloroquin

 

Sau nhiều tháng dùng thuốc, bệnh nhân sẽ bị sạm da màu đen ở phía đùi, niêm mạc vòm miệng, mặt và nền các móng. Khi ngừng thuốc, vết sạm chỉ giảm được một phần.

 

Thuốc chữa phong

 

Thường xuất hiện sạm da màu đỏ da cam lan tỏa sớm, rồi sạm màu nâu tím (xám đen) trên các tổn thương. Ngừng thuốc, sạm sẽ giảm dần nhưng có khi phải mất một thời gian dài.

 

Các thuốc nhóm kháng sinh cyclin

 

Nhóm thuốc này làm tăng nhạy cảm của da đối với ánh nắng. Khi dùng liều cao, dài ngày mà ra nắng thì dễ bị sạm da vùng da hở.

 

Mynocyclin (phụ trị bệnh trứng cá) làm xuất hiện sạm da màu xanh đen trên các sẹo trứng cá hoặc mặt trước của đùi. Metacyclin gây sạm da màu xám đen nhạt trên các vùng da hở. Khi ngừng thuốc, vết sạm sẽ giảm từng phần.

 

Thuốc tạo điều kiện làm sạm da

 

Các thuốc này không trực tiếp gây sạm da nhưng tạo điều kiện cho các tác nhân khác gây ra hiện tượng này.

 

Ví dụ: khi dùng acid citric, acid malic, tatric (trong kem chứa AHA), aspirin, acid salycylic, chúng bóc các tầng bì thành lớp mỏng (lột da) làm cho tế bào biểu bì mới (da non) lộ ra. Sau đó, tia cực tím trong nắng tác dụng lên lớp biểu bì mới, gây sạm da.

 

Phần lớn các loại thuốc dùng ngoài hay mỹ phẩm chứa dược chất, chất phụ gia có thể gây dị ứng cho một số người; thường là mẩn đỏ, phát ban, làm bong da, lở loét..., dẫn đến sạm da. Đây là những trường hợp sạm da thứ cấp, có thể tránh được như kiêng nắng sau khi dùng thuốc lột, chọn lựa thuốc thích hợp để tránh dị ứng.

 

Cách xử lý

 

Nếu phát hiện thấy sạm da thì ngừng thuốc ngay nhằm tránh sạm da rộng. Nếu cần tiếp tục điều trị, thầy thuốc có thể có những thay đổi cần thiết.

 

Kiên nhẫn chờ đợi một thời gian sau khi ngừng thuốc, sạm sẽ hết dần. Có người bệnh tự ý dùng vitamin C hoặc bôi thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên vitamin C không thể chữa sạm da, nếu uống liên tục liều cao có thể gây sỏi thận, tiêm vào tĩnh mạch có thể bị tai biến. Thuốc chống dị ứng cũng chữa không khỏi sạm da mà còn có thể gây sạm theo cơ chế khác.

 

Sạm da khó chữa khỏi bằng thuốc. Một số người nếu dùng loại hỗn hợp nhiều vitamin và kiêng nắng thì sự hồi phục sẽ nhanh hơn.

 

DS Hữu Nam

Sức Khỏe & Đời Sống