Những loại thuốc cha mẹ phải chuẩn bị khi cho con về quê dịp Tết

Hà An

(Dân trí) - Trong những ngày Tết, nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ thường bị đảo lộn, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ dễ bị sốt, ho, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa…

Vì thế, bố mẹ cần chuẩn bị sẵn một số nhóm thuốc cơ bản dưới đây, theo bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Hồng Phong:

- Thuốc nhóm hạ sốt giảm đau gồm Paracetamol (đường uống, đặt hậu môn), Ibuprofen (đường uống dạng siro).

- Thuốc chống nôn, giảm đầy bụng chướng hơi

- Thuốc bôi kháng histamin ngoài da hoặc uống

Các thuốc này để phòng trẻ bị dị ứng nổi mẩn ngoài da do côn trùng hoặc các nguyên nhân khác.

Những loại thuốc cha mẹ phải chuẩn bị khi cho con về quê dịp Tết - 1

Cha mẹ cần dự trữ sẵn một số nhóm thuốc trong những ngày nghỉ Tết (Ảnh minh họa: HT).

- Thuốc men vi sinh, nhóm thuốc điều trị tiêu chảy và chống tình trạng mất nước và điện giải (oresol).

Việc ăn uống không đúng giờ và ăn quá nhiều loại thức ăn có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Do vậy, bạn nên dự trữ một ít thuốc trị chứng đầy hơi, khó tiêu, thuốc tiêu chảy.

Với oresol, cha mẹ luôn cần có với các dạng gói pha với 200ml nước và 1 lít nước đun sôi để nguội. Không dùng các loại đóng chai pha sẵn có ghi dòng chữ Thực phẩm chức năng và/hoặc các túyp oresol.

Khi trẻ bị tiêu chảy, bổ sung nước bằng thuốc oresol là quan trọng nhất. Cha mẹ cần pha đúng tỷ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất, cho trẻ uống thay nước lọc thông thường, uống sau mỗi lần đi ngoài, uống rải rác tiếp đó để bù nước, điện giải.

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như khát nước nhiều, đi tiểu ít; vật vã kích thích hoặc lờ đờ, nhiều trẻ mệt đến mức không khóc được, người cứ lịm đi, tình trạng bệnh nhân đi ngoài vẫn rất nhiều, lượng nước uống vào được rất ít... thì cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.

- Thuốc kháng sinh

Thuốc được chỉ định khi trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn, thường nhiễm khuẩn tiêu hóa, hô hấp, hoặc da, mô mềm, các nhiễm trùng đường tiểu.

Chẳng hạn thuốc nhóm Beta - lactam (kháng sinh phối hợp giữa Amoxicilin và Clavulanat), nhóm Cephalosporin các thế hệ, nhóm Macrolid (gồm Azithromycine, Clarithromycine…).

- Nước muối sinh lý và Betadine

Khi trẻ bị tai nạn vết thương chảy máu, cha mẹ có thể chăm sóc các vết thương chảy máu bằng nước muối sinh lý và Betadine, kèm theo đó là sử dụng bông, gạc y tế, băng urgo.

- Thuốc tra vệ sinh bằng nước muối sinh lý và các thuốc tại chỗ (kháng sinh tại chỗ, nước mắt nhân tạo)

Nhóm thuốc này sử dụng khi trẻ bị đau mắt, mắt có nhử.

- Nước muối rửa mũi và các thuốc kháng viêm tại chỗ.

Khi trẻ bị chảy nước mũi, ngạt mũi, cha mẹ có thể rửa mũi cho trẻ bằng cách dùng các dạng nước muối biển sâu, đồng thời sử dụng thuốc kháng viêm tại chỗ.

- Các thuốc long và tiêu đờm khi trẻ bị ho có đờm, ho kích ứng.

- Các thuốc đường khí dung (thuốc giãn phế quản, thuốc kháng viêm Steroid) khi trẻ bị khò khè, khó thở do co thắt.

- Các thuốc xịt bỏng để phòng trường hợp trẻ bị bỏng, lưu ý không được dùng đá lạnh để chườm.