Những lo ngại mới trong cuộc chiến chống Ebola
(Dân trí) - Bác sĩ không biên giới, một trong những tổ chức y tế phản ứng sớm nhất và tích cực nhất với cuộc khủng hoảng Ebola ở Tây Phi, đã bày tỏ những mối lo ngại mới về đáp ứng “chậm trễ và trục trặc” báo trước những bước tụt hậu hơn nữa.
Cảnh báo của BS. Joanne Liu, chủ tịch tổ chức này, khá là bi quan so với những khen ngợi mà WHO đưa ra hôm thứ Hai vừa qua khi cho rằng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đẩy lùi căn bệnh này.
BS. Liu thừa nhận sự giúp đỡ về tài chính và cấu trúc từ bên ngoài đổ vào vùng dịch trong vài tháng qua. Mỹ là nước đứng đầu công tác cứu trợ, và tổng thống Obama đã yêu cầu quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách 6,18 tỷ đô la.
Nhưng TS. Liu cho biết phần lớn công việc truy tìm, cách ly và điều trị bệnh nhân, mai táng người chết và nâng cao nhận thức để giảm thiểu lây nhiễm đã thất bại ở 3 nước nghèo vùng tâm dịch: Guinea, Liberia và Sierra Leone.
“Chúng ta không thể lơ là cảnh giác và cho phép điều này trở thành thất bại kép – một đáp ứng chậm trế lúc bắt đầu và kém thích ứng khi kết thúc,” BS. Liu phát biểu.
“Điều cực kỳ đáng thất vọng là các nước có năng lực đáp ứng với thảm họa sinh học đã chọn cách không sử dụng năng lực này. Làm sao mà cộng đồng quốc tế lại phó mặc việc đối phó với Ebola – hiện đã trở thành mối đe dọa xuyên quốc gia - cho các bác sĩ, y tá và nhân viên thiện nguyện?”.
Một số vùng nông thôn bị dịch bệnh ở Liberia không có phương tiện vận chuyển các mẫu xét nghiệm. Ở Sierra Leone, nhiều người gọi đến đường dây nóng được bảo là cách ly bệnh nhân nghi nhiễm tại nhà.
Không được một số người thừa nhận khi báo động sớm về cuộc khủng hoảng Ebola, tổ chức Bác sĩ không biên giới đã tự chứng minh rằng những cảnh báo ban đầu của mình là đúng. Có lẽ người thay đổi nhiều nhất là tổng thống Sierra Leone, Alpha Condé, người đã từng công khai chỉ trích các Bác sĩ không biên giới đã “khiến người dân hoang mang” nhưng nay lại là một trong những nhà lãnh đạo chủ trương đối phó tích cực nhất với dịch bệnh.
Cảnh báo mới của BS. Liu được đưaa ra khi Ngân hàng thế giới đưa ra dự báo kinh tế ảm đạm cho khu vực dịch Ebola năm 2015, và WHO cho biết số trường hợp nhiễm bệnh đã vượt quá con số 17.000, với hơn 6.000 người chết.
Cẩm Tú
Theo New York Times