1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những hệ lụy khi bé khảnh ăn

(Dân trí) - Khảnh ăn không phải hoàn toàn vô hại như ta tưởng. Nghiên cứu cho thấy những em bé hay “kén cá chọn canh” bị tăng các triệu chứng trầm cảm và lo âu khi lớn lên.

 

Những hệ lụy khi bé khảnh ăn - 1
Khảnh ăn khi còn nhỏ có liên quan với tăng triệu chứng lo âu và trầm cảm khi lớn lên.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics đã theo dõi hơn 900 trẻ từ 2 đến 6 tuổi trong thời gian trung bình 3 năm cho thấy: những em bé thuộc diện “khảnh ăn” mức độ vừa và nặng có liên quan tăng các triệu chứng lo âu và trầm cảm khi lớn lên. Những trường hợp mức độ vừa cũng liên quan với triệu chứng của lo âu và tăng động kém tập trung.

Nghiên cứu này không chứng minh rằng chứng khảnh ăn sẽ dẫn đến các triệu chứng tâm thần. Và các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng một số mối liên quan là không mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu tập trung chú ý vào một vấn đề nghiệm trọng nhưng lại hay bị các bậc cha mẹ và thấy thuốc xem thường.

Trong số những trẻ tham gia nghiên cứu, gần 18% được xác định là khảnh ăn mức độ vừa - dựa trên phỏng vấn bố mẹ các em. Đây là những trẻ mà việc ăn uống bị ảnh hưởng ở ít nhất 2 mặt, như khó định giờ bữa ăn ở nhà và khó ăn uống ở trường học. 3% khác được phân loại là khảnh ăn mức độ nặng - khó ăn uống cùng người khác vì món ăn cực kì hạn chế, khiến trẻ không thể tham gia một số hoạt động.

Nghiên cứu cũng thấy rằng những trẻ “rất khảnh ăn” dễ có chẩn đoán trầm cảm hoặc lo âu hơn khi lớn lên. Những trẻ bị tự kỷ - rất có khuynh hướng khảnh ăn – bị loại khỏi nghiên cứu này.

Nhiều trẻ nhỏ biểu hiện các dấu hiệu khảnh ăn, ban đầu là từ chối nhiều loại thức ăn trừ phi chúng ngọt hoặc mặn. Trong khi phần lớn trẻ trở nên ít “kén cá chọn canh” hơn khi lớn lên, thì có khoảng 12% số trẻ vẫn giữ kiểu ăn uống này trong nhiều năm sau.

Cần giải pháp tổng thể

Một số trẻ được điều trị tại những cơ sở chuyên điều trị rối loạn ăn uống, trong đó nhiều can thiệp hiện nay nhằm vào nỗi sợ ăn các thức ăn mới. Song theo Nancy Zucker, giám đốc Trung tâm rối loạn ăn uống Duke và là tác giả chính của nghiên cứu thì cần phát triển những can thiệp nhằm vào sự nhạy cảm giác quan tăng cao ở nhiều trẻ đối với thực phẩm và các yếu tố môi trường, bao gồm kết cấu, mùi vị và ánh sáng. Những trẻ này có thể bị các cảm giác lấn át.

Những khó khăn trong việc xử lý cảm giác, như ác cảm với kết cấu của thực phẩm, là nguyên nhân chính khiến các bệnh nhân bị rối loạn ăn uống được chuyển đi điều trị.

Karen Harpster, bác sĩ tại Bệnh viện nhi Cincinnati cho rằng viện pháp điều trị cho những trẻ khảnh ăn có thể bao gồm “chuỗi thức ăn”, hoặc tạo ra những thay đổi từ từ trong việc trình bày món ăn.

Kèm những món ăn trẻ thích với những món trẻ không thích hoặc không bao giờ cho thử cũng là một cách tiếp cận khác. Chơi với đồ ăn cũng giúp giảm lo âu về việc ăn.

BS. Harpster khuyến khích các bậc phụ huynh dọn cả món mà trẻ thích và món trẻ không thích trong bữa ăn. Nếu trẻ chỉ ăn một ít món không thích thì trẻ có thể ăn nhiều hơn món mà trẻ thích.

Việc cho bé dưới một tuổi làm quen với thức ăn mới cũng rất quan trọng. Các nghiên cứu đã cho thấy có thể mất 10 -15 lần tiếp xúc với thức ăn mới thì trẻ mới thích nó.

Erin Graham, một bé gái 12 tuổi ở thành phố Kansas, Mỹ, đã gặp những vấn đề trong ăn uống từ khi mới sinh. Mẹ em cho biết từ nhỏ Erin đã bị trào ngược thực quản và không thể bú bình. Khi bắt đầu ăn dặm bé cũng từ chối gần như là mọi thứ trừ những thứ có màu trắng và nhạt. Chế độ ăn của Erin bị thu hẹp chỉ còn có bánh quế và bánh kếp; pho mai nướng, bơ lạc và bánh qui với một số loại trái cây.

“Con bé không thể đi ăn ở ngoài với bất kì ai. Nó thực sự không hòa nhập được mặt xã hội,” mẹ em cho biết. Mặc dù Erin chưa từng được sàng lọc hội chứng lo âu, song mẹ bé nói “Con bé thường không thể ngủ ngon. Nó quá lo lắng”.

Khi Erin được 8 tuổi, cha mẹ đã đưa em đến Trung tâm điều trị rối loạn ăn uống Duke trong một tuần để áp dụng liệu pháp của BS. Zucker. Cô bé được làm quen với những lượng rất nhỏ thức ăn mới và được thưởng mỗi khi ăn một miếng.

“Cháu cảm thấy cháu đã tiến bộ rất nhiều,” Erin khoe. “Cháu có thể ra ngoài ăn tối và hầu như luôn tìm được thứ gì đó để ăn”.

Mỗi tuần một lần Erin lại có một cuộc “thám hiểm đồ ăn” với BS. Zucker và bốn bệnh nhân khác. “Tất cả chúng cháu mang đến 4 món ăn, chúng cháu sẽ thử chúng và đánh giá chúng,” cô bé kể.

Cẩm Tú

Theo wsj