Những hậu quả sức khỏe lâu dài của Ebola

(Dân trí) - Sau khi được chữa khỏi, các bệnh nhân Ebola vẫn phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.

Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm, người từng nhiễm vi rút Ebola cho biết cô gặp phải những vấn đề sức khỏe liên tục kể từ khi được chữa khỏi. Các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến rằng điều này là phổ biến ở những bệnh nhân từng nhiễm Ebola.

Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm
Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm

Nina Phạm tiết lộ cô bị rụng tóc, đau nhức cơ thể và mất ngủ thường xuyên suốt mấy tháng sau khi bị lây nhiễm vi rút vào mùa thu năm ngoái.

Nữ y tá gốc Việt được chuẩn đoán nhiễm Ebola vào giữa tháng 10 năm ngoái, sau khi tham gia điều trị một bệnh nhân mắc bệnh đến từ Liberia. Một vài tuần sau cô được thông báo đã khỏi bệnh, tuy nhiên những vấn đề sức khỏe cô mắc phải sau đó cũng rất đáng quan tâm.

Tiến sĩ Jesse Goodman, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đồng thời là một giảng viên y khoa tại Trung tâm Y tế thuộc ĐH Georgetown ở Washington D.C cho biết những hệ quả lâu dài của Ebola chưa được quan tâm đúng mực và các bác sĩ sẽ cần tìm hiểu sâu hơn về chúng từ ổ dịch gần đây nhất tại Tây Phi. Đây cũng được cho là ổ dịch lớn nhất kể từ trước đến nay.

Những vấn đề sức khỏe mắc phải sau khi khỏi bệnh như đau nhức cơ thể và mệt mỏi có thể bắt gặp ở bất kỳ căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào, và Ebola cũng không phải ngoại lệ. Những triệu chứng này có một phần nguyên nhân là do cơ thể sản sinh ra một số chất miễn dịch hệ thống được gọi là cytokine. Chúng giúp cơ thể chống lại các tổn thương do căn bệnh gây ra nhưng đồng thời lại khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, các triệu chứng như mất nước, tụt huyết áp và những vấn đề về dinh dưỡng mà bệnh nhân trải qua trong thời gian nhiễm bệnh cũng có thể làm tổn thương và để lại hậu quả đối với cơ bắp cũng như những mô khác.

Tiến sĩ Jesse Goodman nói thêm rằng cơ bắp và hệ thần kinh cũng có thể bị tổn thương trực tiếp bởi vi rút Ebola, dù phục hồi cũng sẽ mất nhiều thời gian.

Vi rút Ebola
Vi rút Ebola

Ngoài ra, một điều đáng quan tâm khác là virus Ebola có thể vẫn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân dù đã được chữa khỏi. Chúng có mặt tại một số bộ phận của cơ thể, trong đó có mắt, gây viêm và ảnh hưởng tới thị lực.

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, sau khi trải qua đợt dịch Ebola vào năm 1995, có khoảng 15% những người sống sót sau khi mắc bệnh đã phát triển các căn bệnh liên quan tới mắt như đau mắt hoặc thậm trí mất thị lực. Đối với ổ dịch Ebola gần đây nhất tại Tây Phi, WHO cũng cho biết đã có những báo cáo về vấn đề thị lực của những bệnh nhân sống sót.

Nếu được quan tâm điều trị, những vấn đề về mắt có thể được giải quyết. Ngược lại, chúng có thể khiến người bệnh mất đi thị lực. Chính vì vậy, việc quan tâm tới những hậu quả sau khi nhiễm bệnh cũng như giáo dục người dân về các biến chứng của Ebola là rất quan trọng và cần được đẩy mạnh trong nỗ lực ứng phó với loại vi rút nguy hiểm này.

Hùng Cường

Theo livescience