Những đồ vật bác sĩ phát sợ vì nguy cơ gây tai nạn cho trẻ

(Dân trí) - Trong mắt các bác sĩ cấp cứu, dường như mọi đồ vật đều là có thể gây tai nạn, thương vong. Vậy những đồ vật nào sẽ không bao giờ có trong ngôi nhà của họ? Dưới đây là những thứ các bác sĩ rất sợ khi gia đình họ có trẻ em.

Những đồ vật bác sĩ phát sợ vì nguy cơ gây tai nạn cho trẻ - 1

Pin cúc áo

Pin cúc áo đang ngày càng được sử dụng rộng rãi, từ điều khiển tivi đến đèn Led di động, kéo theo đó là những nguy cơ gia tăng đối với trẻ nhỏ.

Theo BS David J.Mathison (đang làm việc tại 1 phòng Cấp cứu nhi), trẻ tuổi chập chững thường bị những viên pin nhỏ sáng bóng này hấp dẫn và sẽ cho chúng vào miệng. “Điều nguy hiểm là những viên pin này sẽ bị kẹt lại ở thực quản và axit trong viên pin sẽ gây tổn thương thành thực quản của trẻ suốt đời”, BS David cảnh báo.

Bạt lò xo

Theo bác sĩ Ferdinando Mirarchi, Trưởng khoa Cấp cứu TT Y ĐH Pittsburgh, ông đã từng gặp rất nhiều ca chấn thương nghiêm trọng do bạt lò xo như gãy xương vai, xương đùi, chấn thương cổ. Do đó, hầu hết các bác sĩ làm ở phòng Cấp cứu không bao giờ mua bạt lò xo cho con cháu của họ.

Bác sĩ Mirachi cũng cho rằng không có loại bạt lò xo nào thực sự tốt dù có cả một mạng lưới an toàn bảo vệ xung quanh nó. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại tin rằng con họ sẽ an toàn nhờ mạng lưới bảo vệ này và hậu quả là nhiều trẻ phải nhập viện sau khi chơi bạt lò xo.

Bể bơi trong nhà

Theo BS Dara Kass, chuyên gia của Phòng cấp cứu Ronald O.Perelman, những tai nạn do trượt chân, ngã xuống bể bơi ở cả trẻ biết bơi và không biết bơi khá thường gặp trong mùa hè. Những tai nạn này thường diễn ra quá nhanh và rất âm thầm nên cách tốt nhất để ngăn ngừa là không xây bể bơi trong nhà.

“Con cháu của tôi đều biết bơi và chúng tôi đưa trẻ đến bể bơi bởi biết rằng như vậy là cách tốt nhất để loại bỏ những nguy cơ”, BS Dara Kass, nói.

Những đồ vật bác sĩ phát sợ vì nguy cơ gây tai nạn cho trẻ - 2

Máy xịt nước và thang gấp

“Có 2 đồ vật tôi luôn tránh xa là máy xịt và thang gấp. Chúng tôi thường phải cấp cứu những bệnh nhân ngã thang với những chấn thương rất nghiêm trọng ở vùng đầu hay bị xẹp phổi”, BS Seth Podolsky, phó chủ tịch TT Cấp cứu Cleveland nói.

Về máy xịt nước, BS Seth cho biết: “Hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết tôi không có thiết bị này trong nhà. Nhưng thực tế là đã có rất nhiều trẻ phải nhập viện hay bị thương do áp lực nước quá mạnh từ thiết bị này”.

Mỳ Ramen hộp

Mỳ Ramen hay các loại súp hộp tương tự đều rất nóng khi được quay trong lò vi sóng. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây bỏng ở trẻ nhỏ.

Theo BS David J. Mathison, người đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhi bị bỏng bởi mỳ ramen và các loại súp, nguyên nhân là do cha mẹ đã để hộp súp trong tầm tay của trẻ đang háu đói mà quên mất là loại súp này đang rất nóng.

Thuốc giảm đau

Nhiều người để lại những viên thuốc giảm đau chưa dùng hết nhằm đề phòng những cơn đau có thể tái phát. Tuy nhiên, tốt nhất đừng bao giờ tích trữ bởi đây chính là thủ phạm khiến trẻ phải nhập viện do ngộ độc hydrocodone và oxycodone quá liều (những hoạt chất có trong thuốc giảm đau Vicodin, Percocet, Oxycontin).

“Chỉ cần 1 viên thuốc giảm đau cũng đủ để giết chết một đứa trẻ”, BS Ferdinando cảnh báo.

Những đồ vật bác sĩ phát sợ vì nguy cơ gây tai nạn cho trẻ - 3

Ghế ăn dành cho trẻ

Là một bác sĩ làm việc tại trung tâm chấn thương, đồng thời là một người cha, BS Brian Fort bày tỏ sự lo ngại về tính an toàn của các sản phẩm trẻ em bởi “Hơn một nửa số ca cấp cứu ở trẻ dưới 1 tuổi là do bị ngã khỏi ghế ăn”.

“Tôi sẽ không bao giờ mua loại ghế cao dành cho trẻ ngồi ghế ăn bởi tôi đã thấy quá nhiều trẻ dùng chân của chúng để đạp vào bàn và một cú ngã từ độ cao 60cm có thể gây ra nứt hộp sọ”, BS Brian Fort, giải thích.

Nhân Hà

Theo huffingtonpost