Những điều cần biết về nhiễm virus HPV

Hà An

(Dân trí) - Virus HPV không phân biệt giới tính nam hay nữ, các bệnh lý do HPV gây ra ảnh hưởng đến cả hai giới. Ngoài ra, người nhiễm virus thường không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây truyền cho người khác.

Virus HPV là gì?

Virus (Human papillomavirus) là một loại virus gây u nhú ở người. Có hơn 100 chủng virus HPV, trong đó 14 trong số 40 chủng lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ cao và có thể gây tổn thương tiền ung thư, ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư các bộ phận sinh dục khác và ung thư ngoài đường sinh dục như ung thư hầu họng. Các chủng HPV nguy cơ cao được phát hiện ở hơn 99% trường hợp ung thư cổ tử cung.  

Trên toàn cầu, mỗi năm có gần 690.000 trường hợp ung thư liên quan đến HPV được chẩn đoán ở cả hai giới.

Những điều cần biết về nhiễm virus HPV - 1

Ung thư cổ tử cung là ung thư thường gặp thứ ba ở nữ giới và lấy đi mạng sống của hơn 300.000 phụ nữ mỗi năm, 85% trong số đó là ở các nước đang phát triển bởi thiếu những chiến lược phòng ngừa hiệu quả. Theo Báo cáo thực trạng ung thư thế giới, năm 2020, Việt Nam có hơn 4.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và trong đó có hơn 2.000 ca tử vong.

Nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở nam giới không?

Câu trả lời là Có, nhưng những rủi ro cụ thể là khác nhau đối với nam giới. Nhiễm HPV rất phổ biến, nhưng nó thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào ở cả hai giới. Tuy nhiên, một số loại HPV gây ra mụn cóc sinh dục.

Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể loại bỏ virus mà không cần điều trị trong vòng khoảng hai năm. Nhưng cho đến khi virus biến mất, bạn có thể lây lan cho bạn tình của mình.

Một số loại HPV, được gọi là các loại nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư. HPV có thể gây ung thư âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật, hậu môn, mặt sau của miệng và phần trên của cổ họng (hầu họng).

Nam giới nhiễm HIV - virus gây ra bệnh AIDS - và nam giới quan hệ tình dục với nam giới khác có nguy cơ cao bị ung thư hậu môn, dương vật và ung thư cổ họng liên quan đến nhiễm HPV dai dẳng. Bệnh ung thư hầu họng đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở nam giới.

Nam giới có thể ngăn ngừa các loại HPV gây ra hầu hết mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn bằng cách tiêm vaccine HPV.

Triệu chứng nhiễm virus HPV?

HPV thường xảy ra mà không có triệu chứng. Do đó, hầu hết mọi người không biết rằng họ mang virus. Ở hầu hết mọi người, virus thực sự sẽ tự sạch, vì vậy họ có thể không bao giờ biết mình đã mắc bệnh.

Khi các triệu chứng xảy ra, chúng thường xuất hiện dưới dạng mụn cóc sinh dục. Bạn có thể nhận thấy một vết sưng hoặc một nhóm vết sưng.

Những vết sưng này có thể gây ngứa ngáy, có màu như màu da của bạn hoặc màu trắng, có thể bị gồ lên hoặc bằng phẳng, hình súp lơ, có kích thước từ 1mm đến 1cm.

Không phải tất cả các vết sưng ở bộ phận sinh dục đều là mụn cóc. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán.

Những điều cần biết về nhiễm virus HPV - 2

Các loại vaccine ngừa HPV

- Vaccine nhị giá phòng HPV (phòng 2 túyp 16 và 18).

- Vaccine tứ giá phòng HPV (phòng ngừa 4 túyp virus HPV phổ biến 6, 11, 16, 18).

- Vaccine cửu giá phòng HPV giúp phòng các bệnh liên quan đến HPV ở cả nam và nữ. Vaccine cửu giá phòng HPV phòng ngừa đến 9 túyp virus HPV phổ biến 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58.

Các loại vaccine HPV ban đầu được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt là vaccine ung thư cổ tử cung cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ, và hiện nay chúng cũng được phê duyệt để phòng ngừa ung thư hậu môn, âm hộ và âm đạo. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo nên tiêm phòng HPV định kỳ cho trẻ em gái và trẻ em trai ở độ tuổi 11 và 12, mặc dù có thể tiêm sớm từ tuổi 9. Các loại vaccine này cũng đã được khuyến cáo cho thanh thiếu niên và nam giới và phụ nữ đến 26 tuổi.

Vaccine cũng đã được chấp thuận cho nam giới đến 45 tuổi. Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng là trước khi bắt đầu hoạt động tình dục.

Virus HPV nguy hiểm vì hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Chiến lược Toàn cầu với mục tiêu đẩy nhanh việc loại bỏ ung thư cổ tử cung như là một vấn đề y tế cộng đồng vào năm 2030, khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng HPV, tầm soát phát hiện sớm và điều trị thích hợp. Việc đạt được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực tập thể và sự hợp tác của cộng đồng y khoa, khu vực công và tư.