1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những dấu hiệu sớm của sa sút trí tuệ

(Dân trí) - Sa sút trí tuệ (dementia) là thuật ngữ mô tả một loạt các triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của một người, bao gồm khả năng tư duy, ghi nhớ và lý trí. Bệnh có xu hướng nặng lên theo thời gian, vì vậy có một vài dấu hiệu cảnh báo sớm quan trọng.

Sa sút trí tuệ xảy ra khi các tế bào thần kinh trong não một người ngừng hoạt động. Mặc dù thường xảy ra ở người cao tuổi, nhưng đây không phải là một phần không thể tránh khỏi của sự lão hóa. Sự suy giảm tự nhiên của não xảy ra với mọi người khi họ già đi, nhưng nó xảy ra nhanh hơn ở những người bị sa sút trí tuệ.

Những dấu hiệu sớm của sa sút trí tuệ - 1

Có nhiều loại sa sút trí tuệ khác nhau. Theo Viện Lão khoa Quốc gia Mỹ, phổ biến nhất là bệnh Alzheimer. Các loại sa sút trí tuệ khác bao gồm:

• Sa sút trí tuệ thể Lewy

• Sa sút trí tuệ thùy trán thái dương

• Các rối loạn mạch máu

• Sa sút trí tuệ hỗn hợp, hoặc kết hợp các loại

Có 10 dấu hiệu sớm điển hình của sa sút trí tuệ. Để một người nhận được chẩn đoán, họ thường sẽ có hai hoặc nhiều triệu chứng này, và các triệu chứng sẽ đủ nghiêm trọng để cản trở cuộc sống hàng ngày của họ.

Những dấu hiệu ban đầu của sa sút trí tuệ là:

1. Trí nhớ giảm sút

Giảm sút trí nhớ là một triệu chứng phổ biến của sa sút trí tuệ.

Người bị sa sút trí tuệ có thể thấy khó nhớ lại thông tin mới học, chẳng hạn như ngày tháng hoặc sự kiện, hoặc thông tin mới.

Họ có thể thấy phải dựa vào bạn bè và gia đình hoặc các công cụ hỗ trợ trí nhớ khác để theo dõi mọi thứ.

Hầu hết mọi người sẽ thỉnh thoảng bị quên một vài chuyện gì đó và điều này sẽ hay gặp hơn khi về già. Họ thường sẽ nhớ lại những thứ đó sau này nếu giảm trí nhớ là do tuổi tác chứ không phải do sa sút trí tuệ.

2. Khó lập kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề

Người bị sa sút trí tuệ có thể khó thực hiện theo một kế hoạch, chẳng hạn như một công thức khi nấu ăn, hoặc chỉ dẫn khi lái xe.

Việc giải quyết vấn đề cũng có thể gặp nhiều thách thức hơn, chẳng hạn như khi cộng các con số để thanh toán hóa đơn.

3. Khó thực hiện những công việc quen thuộc

Người bị sa sút trí tuệ có thể khó hoàn thành các nhiệm vụ mà họ vẫn thường làm, chẳng hạn như thay đổi cài đặt trên tivi, sử dụng máy tính, pha một tách trà hoặc đến một địa điểm quen thuộc. Khó khăn với các nhiệm vụ quen thuộc có thể xảy ra ở nhà hoặc nơi làm việc.

4. Bị nhầm lẫn về thời gian hoặc địa điểm

Sa sút trí tuệ có thể khiến người bệnh khó đánh giá thời gian trôi qua. Người bệnh cũng có thể quên mất họ đang ở đâu vào một lúc nào đó.

Họ có thể thấy khó hiểu các sự kiện trong tương lai hoặc quá khứ và có thể gặp khó khăn về ngày tháng.

5. Khó hiểu thông tin hình ảnh

Thông tin hình ảnh có thể là thách thức đối với một người bị sa sút trí tuệ. Họ có thể khó đọc, khó đánh giá khoảng cách hoặc tìm ra sự khác biệt giữa các màu.

Một số người thường lái xe hoặc đi xe đạp có thể bắt đầu thấy những hoạt động này gặp nhiều thách thức.

6. Vấn đề về nói hoặc viết

Người bị sa sút trí tuệ có thể khó tham gia vào các cuộc trò chuyện.

Họ có thể quên những gì họ đang nói hoặc những gì người khác đã nói. Họ có thể khó bắt đầu cuộc trò chuyện.

Người bệnh cũng có thể thấy chính tả, dấu câu và ngữ pháp của họ trở nên tệ hơn.

Ở một số người chữ viết tay cũng trở nên khó đọc hơn.

7. Để đồ vật nhầm chỗ

Người bị sa sút trí tuệ có thể không nhớ được nơi họ để các vật dụng hàng ngày, chẳng hạn như điều khiển từ xa, tài liệu quan trọng, tiền hoặc chìa khóa.

Việc để đồ vật nhầm chỗ có thể khiến họ bực bội và buộc tội người khác đã ăn cắp.

8. Đánh giá hoặc ra quyết định kém

Người bị sa sút trí tuệ có thể khó hiểu thế nào là công bằng và hợp lý. Điều này có thể đồng nghĩa với việc họ trả quá nhiều tiền để mua những thứ đó, hoặc dễ dàng đồng ý mua những thứ họ không cần.

Một số người bị sa sút trí tuệ cũng ít chú ý đến việc giữ cho mình sạch sẽ và chỉn chu.

9. Thu mình khỏi các hoạt động xã hội

Người bị sa sút trí tuệ có thể trở nên không hứng thú trong việc giao tiếp với người khác, cho dù trong cuộc sống gia đình hay tại nơi làm việc.

Họ có thể thu mình lại và không nói chuyện với người khác, hoặc không chú ý khi người khác nói với họ. Họ có thể ngừng những hoạt động sở thích hoặc môn thể thao có sự tham gia của người khác.

10. Thay đổi tính cách hoặc tâm trạng

Người bị sa sút trí tuệ có thể có tâm trạng thất thường hoặc thay đổi tính cách. Ví dụ, họ có thể trở nên cáu kỉnh, trầm uất, sợ hãi hoặc lo lắng.

Họ cũng có thể bị mất phản xạ có điều kiện hoặc hành động không phù hợp.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Một người gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này hoặc nhận thấy chúng ở người thân nên nói chuyện với bác sĩ.

Theo Hội Alzheimer, có một sự hiểu lầm rằng chức năng nhận thức luôn bị giảm sút khi một người già đi. Dấu hiệu suy giảm nhận thức có thể là sa sút trí tuệ hoặc một bệnh nào đó khác mà các bác sĩ có thể giúp đỡ.

Mặc dù chưa có cách chữa khỏi sa sút trí tuệ, nhưng bác sĩ có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và làm giảm các triệu chứng, và do đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Cẩm Tú

Theo MNT